Tập đoàn truyền thông Nikkei Inc (Nhật Bản) vừa công bố danh sách các cá nhân có nhiều đóng góp cải thiện cuộc sống của người dân châu Á. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là bác sĩ đầu tiên của Việt Nam nhận giải thưởng uy tín này.
Giải thưởng Nikkei châu Á dự kiến sẽ trao tại Tokyo (Nhật Bản) vào ngày 13/6.
Nhiều đóng góp trong lĩnh vực nhi khoa
Theo Nikkei, suốt hơn 40 năm làm việc, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã thực hiện trên 200 công trình nghiên cứu y học. Trong đó có 72 nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí y học Mỹ, châu Âu. Hàng loạt công trình có tính ứng dụng cao được đưa vào chữa trị cứu sống hàng nghìn bệnh nhân.
Giáo sư Liêm cũng sáng tạo 9 phương pháp mổ nội soi mới trong nhi nhoa và cải tiến nhiều kỹ thuật mổ khác. Hầu hết được áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện trong nước và Mỹ, Italy, Hà Lan, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc)...
Trong giới nhi khoa, Nguyễn Thanh Liêm nổi tiếng với kỹ thuật mổ nội soi điều trị u nang ống mật chủ và phẫu thuật nội soi chữa thoát vị cơ hoành. Ông được mời đi mổ trình diễn và giảng bài tại nhiều nước Mỹ, Pháp, Australia, Nhật bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Italy...
Sách giáo khoa phẫu thuật nhi thế giới: “Operative Pediatric Surgery” xuất bản tại Anh năm 2013; “Ashcraft’s Pediatric Surgery” xuất bản tại Mỹ năm 2014 cũng do Giáo sư Liêm chắp bút phần kỹ thuật mổ nội soi u nang ống mật chủ.
Tiên phong trong lĩnh vực ghép tế bào gốc
Năm 2014, Giáo sư Liêm cùng đồng nghiệp bắt tay vào nghiên cứu lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam: Ghép tế bào gốc. Ông khi đó 62 tuổi, đang giữ chức Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, song vẫn trăn trở đi tìm kiếm những công nghệ tối ưu hơn cứu các bệnh nhi.
"Ngày nào tôi cũng gặp các cháu nhỏ mắc bệnh nan y mà y học chưa có hướng chữa khỏi như bại não, tự kỷ, thoát vị màng não tủy, teo đường mật bẩm sinh...", Giáo sư Liêm nói khi chuyển sang làm Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec.
Bệnh nhi 2 tuổi đầu tiên bị bại não do nhiễm trùng máu, thiếu oxy não phải sống thực vật, đã có tiến triển tốt sau ghép tế bào gốc. Niềm hi vọng đó thôi thúc Giáo sư Liêm đề xuất ngay đề tài nghiên cứu cấp nhà nước ghép tế bào gốc cho trẻ bại não với Bộ Khoa học và Công nghệ, dù đây là phương pháp mới chưa được thế giới công nhận rộng rãi.
Mỗi ca ghép, ông đều trực tiếp thăm khám và chỉ định nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất cho bệnh nhi. Sau 3 năm nỗ lực, đề tài nghiên cứu mang về những kết quả tích cực ngoài mong đợi. Nhiều trẻ bại não đã cải thiện chức năng vận động và phát triển trí tuệ sau điều trị, thay đổi cuộc sống của bệnh nhi.
Hiện, công nghệ ghép tế bào gốc được Giáo sư Liêm mở rộng hướng nghiên cứu sang điều trị bệnh tự kỷ, teo đường mật bẩm sinh, thoát vị màng não xơ phổi ở trẻ nhỏ; xơ gan, thoái hóa khớp ở người lớn. Các đề tài về tế bào miễn dịch, công nghệ gen cũng được vị bác sĩ 66 tuổi tiếp tục đẩy mạnh.
“Đêm nào tôi cũng nghĩ, ngày mai mình có thể làm gì đó tốt hơn hôm nay không. Bởi với người làm khoa học thực sự, nhiệm vụ và tiêu chí đánh giá thành công là phải tìm ra cái mới, hay hơn, ưu việt hơn. Thế giới đi nhanh lắm, thứ gì hôm nay là không tưởng, thì ngày mai đã thành hiện thực”, Giáo sư Liêm chia sẻ về động lực làm việc.
Để nghiên cứu sớm đi đến kết quả, Giáo sư Liêm đứng ra làm cầu nối thức đẩy các chương trình hợp tác của Viện nghiên cứu tế bào gốc công nghệ gen Vinmec với các trường đại học hàng đầu như Stanford, Keele... Ông cho biết, ca ghép tế bào gốc chữa xơ phổi thực hiện tại Vinmec mới đây nhất, đã được thế giới công nhận.
Từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã có 5 cá nhân được trao giải thưởng này. Trong lĩnh vực kinh tế có Giáo sư Võ Tòng Xuân (2002), ông Trương Gia Bình (2013), bà Mai Kiều Liên (2015). Lĩnh vực văn hóa có NSND Đặng Nhật Minh (1999) và nhà văn Bảo Ninh (2011). Lĩnh vực khoa học công nghệ lần đầu được trao cho Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm (2018).
An San