Kết quả đo điện tâm đồ và xét nghiệm men tim cho thấy người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng choáng tim và suy hô hấp nặng. Những đoạn mạch máu bên trái đã đặt stent cách đây 10 năm bị tái hẹp và xuất hiện những sang thương mới ở cả động mạch vành bên trái và phải.
Các bác sĩ đã hội chẩn, dùng thuốc trợ tim nâng huyết áp, đặt stent cấp cứu các sang thương và điều trị tình trạng suy tim. Người bệnh được đặt nội khí quản, thở máy và chụp mạch vành cấp cứu. Sau khi tái thông các mạch máu bị tắc, bệnh nhân được rút ống thở hỗ trợ, sức khỏe phục hồi và ổn định.
Bác sĩ Trần Hòa, Phó Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết việc điều trị cho người bệnh này rất phức tạp vì nhiều lý do như lớn tuổi, thừa cân, có nhiều bệnh phối hợp, đã từng bị nhồi máu cơ tim.
"Sau khi can thiệp động mạch vành, người bệnh vẫn còn có thể xảy ra các nguy cơ tái nhồi máu cơ tim, các stent đã đặt có thể bị tái hẹp hoặc tắc gây đau ngực tái phát. Ngoài ra, người bệnh có thể bị diễn tiến suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não", bác sĩ nói.
Bác sĩ Hòa cho biết, việc tuân thủ điều trị là mấu chốt quan trọng để phòng tránh bệnh tái phát. Trong đó gồm có:
- Người bệnh phải thay đổi lối sống phù hợp với bệnh lý tim mạch: tuyệt đối không hút thuốc lá, tập luyện thể lực thường xuyên, chế độ ăn giảm mỡ, giảm mặn...
- Điều trị các bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hoá lipid trong máu. Đây cũng là những yếu tố làm xơ vữa động mạch và gây hẹp hệ thống động mạch trong cơ thể.
- Quan trọng nhất, người bệnh phải đi tái khám định kỳ theo hẹn. Sau đặt stent, bắt buộc bệnh nhân phải uống các thuốc kháng tiểu cầu để phòng ngừa tắc stent. Việc tái khám định kỳ để các bác sĩ theo dõi và phát hiện sớm các tình trạng tái hẹp lại của các stent, theo dõi chức năng tim, chức năng thận và điều chỉnh các thông số sinh học khác.