Chính sách trên được HĐND tỉnh Bình Thuận thông qua tại nghị quyết về hỗ trợ đào tạo, thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực y tế trên địa bàn, ngày 10/10.
Theo UBND tỉnh, Bình Thuận hiện có 949 bác sĩ, trong đó 713 người công tác tại 146 đơn vị sự nghiệp y tế công lập; 236 người làm việc các cơ sở y tế khác và phòng khám tư nhân. Với số lượng này, tỉnh chỉ đạt tỷ lệ 7,7 bác sĩ trên một vạn dân. Trong khi để đạt tỷ lệ 9 bác sĩ trên một vạn dân vào năm 2025, nơi này cần thêm 184 thầy thuốc.
Theo chính sách này, bác sĩ trình độ đại học được nhận 600 triệu đồng; bác sĩ nội trú, trình độ thạc sĩ, chuyên khoa cấp I được nhận 700 triệu đồng; bác sĩ trình độ tiến sĩ, chuyên khoa cấp II được nhận 800 triệu đồng.
Nếu không nhận một lần, họ có thể nhận theo từng năm (60-80 triệu đồng) trong vòng 10 năm.
Bác sĩ được thu hút theo hình thức mời tham gia dự án cũng được nhận 80 triệu đồng một tháng, còn theo ngày là 3.636.000 đồng, được thanh toán tiền thuê chỗ ở và chi phí đi lại.
Ngoài ra, bác sĩ làm việc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được đãi ngộ thêm 15-100% mức lương hàng tháng.
Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng hỗ trợ (học phí, chi phí nghiên cứu và học tập) đào tạo bác sĩ cấp đại học và sau đại học đối với viên chức, sinh viên có cam kết làm việc lâu dài tại các cơ sở y tế công lập tại địa phương (10-14 năm).
Nếu vi phạm cam kết, người nằm trong diện này sẽ phải đền bù lại các khoản kinh phí đã được hưởng.
Không chỉ Bình Thuận, nhiều tỉnh thành cũng có chính sách thu hút nhân lực bác sĩ về địa phương. Năm 2022, bác sĩ có học hàm giáo sư nếu về công tác tại Thanh Hóa sẽ nhận ngay 1,3 tỷ đồng, phó giáo sư nhận 800 triệu đồng; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II được hỗ trợ 400 triệu đồng.
Bác sĩ chuyên khoa II hoặc tiến sĩ về Đồng Nai sẽ được hỗ trợ 350 triệu đồng, còn bác sĩ làm việc ở các bệnh viện công có thể được thêm 2-4 triệu đồng một tháng.
Việt Quốc