TS.BS Trương Nguyễn Hoài Linh, Khoa Ngoại Lồng ngực Tim mạch, 52 tuổi, cùng đồng nghiệp giải phóng màng tim để máu thoát ra ngoài, giúp tim bệnh nhân đập trở lại trong gang tấc, hôm 15/7. Khoảng 20 phút trước, nam thanh niên, 27 tuổi, được bệnh viện tuyến dưới chuyển vào với vết thương đâm khoảng hai cm đúng vị trí "tam giác" tim - giữa bờ trái xương ức và núm vú trái.
Bệnh nhân ngưng tim lần đầu khi băng ca vừa đẩy vào viện, bác sĩ nhồi tim giúp có nhịp đập trở lại. Cùng lúc, kíp cấp cứu kích hoạt báo động đỏ, bỏ qua mọi thủ tục hồ sơ, lập tức chuẩn bị phẫu thuật.
Hơn 10 phút sau, khi mở màng tim, bác sĩ Linh ghi nhận khoảng 1.000 ml máu cục và máu loãng ùa ra, thay vì chỉ khoảng 10-15 ml dịch như bình thường để quả tim trượt lên màng tim. Áp lực chèn ép quá lớn khiến trái tim người bệnh ngừng đập. Các bác sĩ lấy hết máu trong khoang màng tim ra ngoài, đồng thời xoa bóp, bơm máu, bơm thuốc vận mạch, nhờ đó tim có nhịp đập trở lại. Ê kíp thở phào, tập trung cầm máu, khâu vết thương tim, kết thúc ca mổ lúc hơn 2h sáng.
"Bệnh nhân vượt cửa tử, song vẫn chưa thể yên tâm vì ngưng tim hai lần, bị gián đoạn thời gian tưới máu lên não, không tránh khỏi nguy cơ di chứng, thậm chí sống thực vật suốt đời", bác sĩ Linh nói.
Sáng sớm hôm sau, bác sĩ đến giường bệnh kiểm tra, chứng kiến bệnh nhân trò chuyện tỉnh táo, tay chân cử động tốt, không để lại di chứng như lo ngại.
Nam thanh niên là một trong nhiều bệnh nhân thủng, vỡ tim được bác sĩ Linh góp công "chạy đua" với thời gian, đưa họ thoát cửa tử. Đa số còn khá trẻ, đến viện cấp cứu khi đã khuya, khiến bác sĩ không ít lần phải từ nhà vào chi viện cùng đồng nghiệp trong đêm.
"Cả ê kíp bao nhiêu người phải vất vả, cực nhọc bất kể đêm hôm nhưng nhìn bệnh nhân tưởng như cầm chắc cái chết được hồi phục ngoạn mục, cảm giác rất khó tả", bác sĩ Linh nói.
Có trường hợp, kíp mổ bỏ qua các thủ tục, lao vào cuộc chiến theo quy trình cấp cứu khẩn, đến lúc hoàn thành những mũi khâu cuối cùng trên quả tim, giữ được tính mạng người bệnh cũng là lúc kết quả xét nghiệm máu báo về bệnh nhân dương tính HIV. Rời phòng mổ, y bác sĩ phải uống thuốc dự phòng phơi nhiễm.
Đơn cử trường hợp nam, 39 tuổi, vào viện với vết thương trên ngực, mạch và huyết áp không đo được, giữa khuya cuối tuần. Trên bàn phẫu thuật, ê kíp vừa mở ngực bệnh nhân thì máu tuôn ra liên tục khắp xoang màng tim, tim có vết thương lớn, gần như ngưng đập. Nếu chần chừ đợi các bước xét nghiệm, chỉ cần chậm vài phút, khả năng khó cứu chữa.
Với quy trình khẩn khi bỏ qua mọi thủ tục, bác sĩ phẫu thuật càng phải có biện pháp đề phòng kỹ càng hơn. May mắn không ai trong ê kíp bị xây xước tay. "Đã làm nghề này rồi thì cũng như cái nghiệp, không thể nghĩ ngợi gì nhiều. May là cũng cứu được bệnh nhân, không uổng phí công sức bỏ ra", bác sĩ chia sẻ.
Bác sĩ Linh bén duyên lĩnh vực tim mạch vì Viện Tim TP HCM tuyển người cùng thời điểm anh vừa ra trường, hơn 25 năm trước. Trải qua nhiều khóa đào tạo trong và ngoài nước, niềm hạnh phúc nhìn quả tim sau mổ có nhịp đập trở lại khiến người đàn ông ngày càng gắn bó chuyên ngành này. Đặc biệt, khi về Bệnh viện Thống Nhất làm việc, với đặc thù cơ sở đa khoa thường tiếp nhận những ca cấp cứu chấn thương, anh trở thành người chủ lực xử trí những bệnh nhân có vết thương tim.
Thông thường, bệnh nhân bị chấn thương tim có thể do tai nạn giao thông hoặc do bị đâm. Trong đó, vết thương tim do tai nạn va đập vào lồng ngực thường phức tạp hơn vì bầm dập nhiều, khó khâu, khó chẩn đoán, đòi hỏi bác sĩ phải có thâm niên. Vỡ tim được xem là một trong những chấn thương nặng của y khoa, "nếu xảy ra tử vong cũng không ai trách bác sĩ".
Với những vết thương thủng tim do bị đâm, bên cạnh những thanh niên đâm chém gây gổ khi nhậu say, còn không ít trường hợp bị cướp tấn công, người bị chém nhầm... Cách đây không lâu, bác sĩ Linh cùng ê kíp từng góp phần giành lại tính mạng cho tài xế xe ôm bị cướp đâm nhiều nhát.
"Riêng trường hợp thanh niên bị thương do gây gổ lúc nhậu say, bao nhiêu y bác sĩ tất bật trắng đêm, cứu sống bệnh nhân xong, cảm xúc vui buồn lẫn lộn vì nhiều người trẻ lại dành thời gian cho những hành động nông nổi đến vậy", anh nói.
Điều khiến bác sĩ trăn trở là lĩnh vực mổ tim liên quan đến sinh tử bệnh nhân trong tích tắc, đòi hỏi phải khổ luyện quá vất vả, trực gác liên tục. Các ca mổ thường kéo dài hàng giờ, trong khi tiền công cho những ca này cũng tương tự mổ trong 1-2 giờ, chỉ khoảng hơn 100.000 đồng, khiến nhiều bác sĩ trẻ e ngại khi chọn ngành này. Sau thời gian dài đứng mổ tim, đối diện nhiều căng thẳng thường trực, chưa kể có những ca mổ cả ngày không cứu được bệnh nhân, không ít bác sĩ chấp nhận từ bỏ, đổi sang chuyên ngành ngoại khoa khác.
"Mong các chính sách ngày càng thay đổi tốt hơn, tiền lương xứng đáng với công sức bỏ ra để anh em yên tâm bám trụ với mảng mổ tim, góp phần giúp thêm nhiều bệnh nhân ở ranh giới sinh tử", bác sĩ Linh tâm sự.
Lê Phương