Bác sĩ Richard Smith từng là biên tập viên Tập san Y học Anh BMJ 13 năm và hiện đứng đầu một ứng dụng y tế trên điện thoại thông minh. Ông đưa ra ý kiến của mình về bản chất cái chết trên mục blog của tập san này.
Bỏ qua tự tử, bác sĩ Richard cho rằng con người thường chết vì 4 nguyên nhân: Cái chết bất thình lình, chết mòn do bệnh mất trí nhớ, chết vì tổn thương nội tạng và chết vì ung thư.
Trong bài viết, ông kể rằng phần đông những người ông tiếp xúc thích cái chết đột ngột, nhưng ông lại nghĩ điều này gây nhiều đau khổ cho gia đình họ. Theo mô tả của bác sĩ Richard, cái chết đến từ từ và kéo dài do mất trí nhớ có lẽ “là tồi tệ nhất vì bạn bị ăn mòn dần và khi cái chết cận kề, tất cả chỉ giống như một nụ hôn nhẹ”. Tương tự, tử vong vì những bệnh phủ tạng như phổi, tim mạch hay thận khiến mọi người phải dành quá nhiều thời gian trong bệnh viện với các bác sĩ. Vì thế, ông khẳng định chết vì ung thư có lẽ là tốt nhất và cho rằng các nhà khoa học nên “chấm dứt việc tiêu tốn hàng tỷ USD tìm thuốc chữa” cho loại bệnh này. Ông đưa ra lý lẽ rằng chữa trị cho người ung thư đồng nghĩa với khả năng họ có thể chết vì những lý do “tồi tệ hơn”.
“Bạn có thể nói lời tạm biệt với những người yêu thương, hồi tưởng lại cuộc đời mình, để lại lời nhắn nhủ cuối cùng, đi thăm thú những nơi đặc biệt lần cuối, nghe những bài hát, đọc các bài thơ mình yêu và chuẩn bị, theo từng tín ngưỡng, gặp gỡ đấng tạo hóa và tận hưởng sự lãng quên vĩnh hằng”, bác sĩ Richard chỉ ra những “cơ hội” chỉ bệnh nhân ung thư mới có được, lý do khiến dẫn tới nhận định của ông.
Ung thư hiện dần trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới với hàng triệu người tử vong mỗi năm. Căn bệnh được ví như một cơn thủy triều, mỗi ngày lại chạm tới nhiều nạn nhân hơn, những người phải chống chọi để giành giật sự sống với không ít đau đớn của những đợt hóa trị.
Những đau đớn cùng hy vọng chiến thắng bệnh tật khiến nhiều bệnh nhân ung thư và gia đình đã lên tiếng phản đối phát biểu nói trên của vị bác sĩ và giáo sư tên tuổi của ĐH Warwick (Anh).
“Tôi hoàn toàn kinh ngạc vì sao một người với tiểu sử và chuyên môn như vậy lại có thể đưa ra nhận định ấy”, Tracey Rethamel, một bệnh nhân ung thư đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo trả lời phỏng vấn trang tin News của Australia.
Cảm nhận những đau đớn thể xác và mất mát mà ung thư gây ra khi là một trong những người trong cuộc có con gái 8 tuổi mắc ung thư bạch cầu đã hóa trị suốt 9 tháng, cô Tracey rất đau lòng trước nhận định được đánh giá là vô tình của bác sĩ Richard. Bà mẹ đặt câu hỏi rằng với cương vị một bác sĩ, liệu bác sĩ Richard có từng chứng kiến cảnh bệnh nhân ung thư chống lại bệnh tật hay không? Và liệu rằng tương lai của con gái cô sẽ như thế nào nếu các nghiên cứu ung thư dừng lại như ý kiến của ông?
Một người mẹ khác, Tamsyn Kiely, cũng có con trai bị ung thư bạch cầu cấp, bày tỏ sự bất bình: “Nếu không có những nghiên cứu về ung thư, chúng tôi đã mất Anthony chỉ trong 6 đến 12 tuần”.
Lập luận của bác sĩ Richard còn vấp phải sự phản đối từ những chuyên gia ung thư cũng như các tổ chức từ thiện sau khi được truyền tải trên mạng.
Trong bối cảnh rất nhiều bệnh nhân ung thư đang bị căn bệnh dày vò và “lấy đi nhiều cuộc đời còn quá trẻ”, giáo sư Peter Johnson, Hiệp hội nghiên cứu Ung thư Anh khẳng định đây hoàn toàn không phải là “cái chết tốt nhất” như lời giáo sư Richard. Giáo sư Peter cũng nhấn mạnh rằng, nhờ những tham vọng trong nghiên cứu, chúng ta mới có thể tạo cho người bệnh thêm nhiều sự chọn lựa.
“Những bệnh nhân của tôi rất hiểu khi nào họ cần và không cần chữa trị. Họ mong mỏi chúng tôi tham vọng hơn là từ bỏ”, Giáo sư Jonathan Waxman, bác sĩ chuyên khoa ung thư hàng đầu tại Cao đẳng Hoàng gia London cho hay.
Ông không đồng tình với quan niệm nghiên cứu ung thư là tốn kém bởi những công trình này đã góp phần mang lại những bước tiến to lớn, cải thiện tỷ lệ sống sót cho các bệnh nhân ung thư. “Chỉ trong 25 năm, số người chết vì ung thư đã giảm đáng kể từ 17.500 xuống 11.700”, vị giáo sư dẫn chứng.
Một chuyên gia khác, Owen Sharp từ Tổ chức Ung thư tuyến tiền liệt Anh, các nghiên cứu này không chỉ là cố gắng tìm cách chữa khỏi ung thư. Trên thực tế rất nhiều trong số đó nhằm giúp bệnh nhân ung thư kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống khi sống chung với căn bệnh được cho là án tử lơ lửng trên đầu.
“Cảm nhận của mỗi người là khác biệt và cho rằng chết vì ung thư giống nhau với mọi người là cái nhìn quá phiến diện. Không có căn bệnh nào là lựa chọn tốt nhất để chết. Điều thật sự quan trọng chính là chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân, cho tới cuối đời, sẽ được chúng ta giúp đỡ thế nào”, chuyên gia Owen Sharp nhìn nhận.
Khánh Hà (Theo Foxnews, Topnews-UK)