Đầu tháng 2/2003, giáo sư Lưu, 64 tuổi, làm việc bán thời gian tại bệnh viện Tôn Trung Sơn số hai ở Quảng Đông, nơi điều trị một số bệnh nhân bị viêm phổi không rõ nguyên nhân. 45 bệnh nhân và nhân viên y tế tại bệnh viện mắc bệnh này. Ca nhiễm đầu tiên được cho là một người bán hải sản từ Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, nhập viện ngày 31/1/2003.
Bác sĩ Lưu bị sốt, nhưng sau khi uống kháng sinh, ông vẫn cảm thấy đủ khỏe để cùng vợ đón xe bus đến Hong Kong dự đám cưới một người cháu. Vợ chồng ông đi mua sắm và dùng bữa với họ hàng trưa 21/2/2003. Đến 17h hôm đó, ông tới khách sạn Metropole tại Cửu Long và thuê phòng 911. Dù chỉ nghỉ lại đây một đêm, ông đã tiếp xúc với nhiều khách khác trong thang máy hoặc sảnh.
Sáng 22/2, Lưu bị sốt, khó thở và tim đập nhanh. Ông đi bộ đến bệnh viện Kwong Wah gần đó và được đưa vào khoa cấp cứu. Lưu nói với các bác sĩ Hong Kong rằng ông không bị "bệnh viêm phổi gần đây xuất hiện ở đại lục".
Tuy nhiên, Lưu đã sai. Bệnh viêm phổi ông nhắc đến là SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và đúng là ông đã nhiễm virus. Lưu qua đời ngày 4/3 tại Hong Kong.
Dịch SARS khởi phát ở Quảng Đông vào tháng 11/2002, virus lây từ dơi vào cầy hương được bán ở chợ rồi lây cho con người. Trung Quốc ban đầu giấu thông tin và hạ thấp mức nghiêm trọng của dịch này. Cho đến khi Tưởng Ngạn Vĩnh, bác sĩ quân đội Trung Quốc về hưu, vạch trần việc che đậy vào đầu năm 2003, phần lớn Trung Quốc và phần còn lại của thế giới mới nhận thức được mối nguy hiểm thực sự.
Ngày 10/2/2003, Trung Quốc báo cáo dịch này với WHO. WHO ngày 12/3/2003 tuyên bố dịch là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Dịch lây lan ở 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 8.000 người nhiễm, 813 người thiệt mạng. 80% nạn nhân ở Trung Quốc, chỉ riêng Hong Kong ghi nhận 299 trường hợp tử vong. SARS dễ dàng lây lan với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể và thường diễn tiến thành viêm phổi, với tỷ lệ tử vong 10%.
Bác sĩ Lưu không chỉ là bệnh nhân SARS đầu tiên ở Hong Kong, ông còn được coi là "người siêu truyền bệnh" đã lây cho ít nhất 23 người tại khách sạn, nhiều người trong số đó ở cùng tầng 9 với ông. Vợ ông Lưu không bị nhiễm nhưng em rể ông phải nhập viện ngày 1/3/2003 và qua đời ngày 19/3/2003. 80% ca nhiễm SARS ở Hong Kong được cho là xuất phát từ ông Lưu.
Theo WHO, hơn 4.000 ca nhiễm vì SARS trên thế giới có liên quan đến quá trình ông Lưu nghỉ lại tại tầng 9 khách sạn Metropole Hong Kong, nhưng cách ông này lây truyền virus cho các khách khác trong khách sạn vẫn là một điều bí ẩn.
Một số nhà điều tra tin rằng ông Lưu có thể đã nôn mửa trước cửa phòng khách sạn và những người đi qua đã vô tình nhiễm virus. Các quan chức WHO khẳng định quá trình lây truyền virus diễn ra ở hành lang tầng 9 khách sạn, không phải trong các phòng, thang máy hay đại sảnh.
Người Mỹ gốc Hoa Johnny Cheng, ở đối diện phòng bác sĩ Lưu tại khách sạn, đã mang virus SARS đến Việt Nam. Cheng được đưa vào bệnh viện Việt Pháp ngày 26/2/2003 với các triệu chứng sốt, ho nhiều, khó thở. Vài ngày sau, gia đình Cheng thuê chuyên cơ đưa ông về nước, để lại Bệnh viện Việt Pháp một loạt y tá, bác sĩ sốt với biểu hiện giống ông. Cheng qua đời ngày 13/3/2003.
Bác sĩ người Italy Carlo Urbani, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của WHO, là một trong những người đã khám cho Cheng. Ông sớm nhận ra sự bất thường và ngay lập tức cảnh báo cho WHO, đồng thời cùng Bộ Y tế Việt Nam thúc đẩy việc lập hàng rào cách ly ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, chính ông cũng nhiễm SARS và qua đời ngày 29/3/2003.
SARS khiến 65 người nhiễm, 5 người tử vong tại Việt Nam. Ngày 28/4/2003, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên khống chế được dịch, kết thúc 45 ngày chống SARS.
Ngày 23/2/2003, người phụ nữ Kwan Sui-Chu, cũng ở chung khách sạn với bác sĩ Lưu, trở về Toronto từ Hong Kong. Bà qua đời tại nhà vào ngày 5/3/2003, sau khi lây cho con trai Tse Chi Kwai. Tse sau đó lây cho những người khác tại bệnh viện Scarborough Grace và chết ngày 13/3/2003.
Ngày 1/3/2003, cô gái Singapore Esther Mok, một khách khác tại khách sạn, được đưa vào bệnh viện Tan Tock Seng sau khi về nước từ Hong Kong. Mặc dù cô sống sót, một số thành viên gia đình bị lây từ cô không qua khỏi.
Ngày 4/3/2003, một người đàn ông 27 tuổi đã đến thăm khách trên tầng 9 khách sạn, được đưa vào bệnh viện Hoàng tử xứ Wales ở Hong Kong. Ít nhất 99 nhân viên y tế bị lây khi điều trị cho anh này.
Dịch SARS được kiểm soát vào năm 2003 và không có ca nhiễm nào được báo cáo kể từ năm 2004. Dịch Covid-19 hiện nay cũng xuất phát từ chủng virus corona tương tự SARS.
Doanh nhân người Anh Steve Walsh được coi là "người siêu truyền bệnh" Covid-19 sau khi mắc bệnh vì tham dự một hội nghị ở Singapore và lây cho 11 người khác sau khi tới một khu trượt tuyết tại Pháp. Ông đã khỏi bệnh vào ngày 11/2.
Catherine Chim, kế toán sống gần tòa nhà từng là khách sạn Metropole ở Cửu Long, nói rằng nỗi sợ hãi của người Hong Kong với Covid-19 còn tồi tệ hơn SARS năm xưa. Hong Kong ghi nhận 56 ca nhiễm Covid-19, một người đàn ông 39 tuổi từng đến Vũ Hán đã qua đời.
"Chúng ta đã có 17 năm để chuẩn bị. Chúng ta không thể để những gì xảy ra 17 năm trước lặp lại", bác sĩ Alfred Wong tại bệnh viện Tuen Mun ở Hong Kong, nói.
Phương Vũ (Theo WSJ/SCMP)