Sau khi khởi phát vào tháng 11/2002 từ phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) lây lan nhanh chóng và gieo "ác mộng" khắp châu Á. Một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Hong Kong, với tỷ lệ trung bình 50 ca nhiễm mỗi ngày.
Tuy nhiên, hơn 200 người tại tòa nhà E của chung cư Amoy Gardens thuộc khu vực Cửu Long bị nhiễm virus trong thời gian rất ngắn. Mối liên hệ duy nhất giữa họ là đều sống trong các căn hộ thẳng hàng với nhau tại tòa nhà.
Theo yêu cầu của cơ quan y tế Hong Kong, cảnh sát và giới chức nhanh chóng cô lập tòa nhà E, khiến cư dân tại đây mắc kẹt. Dưới lệnh giám sát y tế trong vòng 24 giờ, họ không được rời nơi cư trú, cũng không thể tiếp khách.
Những cư dân của Amoy Gardens sau đó được chuyển tới một khu trại biệt lập và quản lý theo các điều luật cách ly, quy định chưa từng được áp dụng kể từ sau dịch hạch năm 1894. Họ lưu trú tại khu trại 10 ngày, trong khi các bác sĩ, chuyên gia lâm sàng và kỹ sư thoát nước tìm kiếm manh mối trong tòa nhà.
Nhóm chuyên gia nhanh chóng phát hiện bằng chứng cho thấy tình trạng lây lan dọc của virus liên quan đến hệ thống thoát nước. Một bệnh nhân SARS 33 tuổi tới từ Thâm Quyến được cho là người đã truyền virus thông qua hệ thống đường ống bị lỗi trong tòa nhà. Người này đến Hong Kong để điều trị thận và đang bị tiêu chảy nặng.
Theo cơ quan y tế đặc khu, hệ thống xả nước của tòa nhà E trước đó bị hỏng, khiến ống chữ S bên dưới bồn cầu một số căn hộ bị cạn suốt thời gian dài, tạo điều kiện cho các giọt chất lỏng chứa virus tích tụ trong cống thoát.
Việc cư dân xả nước bồn cầu có thể đã khiến các giọt này bắn ra. Quạt thông gió cũng có khả năng đã hút các giọt vào nhà tắm, khiến virus đọng lại trên thảm sàn, khăn tắm và đồ dùng vệ sinh cá nhân.
Tình hình thậm chí phức tạp hơn khi 147 cư dân trong tòa nhà E trốn khỏi đây trước khi nó bị cách ly. Họ tới khách sạn, hoặc ở cùng gia đình, bạn bè và rất có thể đã truyền virus cho cộng đồng. Cuối cùng, tổng cộng 329 cư dân tại Amoy Gardens bị nhiễm SARS, 42 người chết, trong đó có 22 người sống trong tòa nhà E.
Nhiều người Hong Kong hồi tưởng về chung cư "tử thần" sau khi tòa nhà Hong Mei House ở quận Quỳ Thanh được sơ tán một phần giữa dịch virus corona chủng mới (Covid-19). 4 người sống trong tòa nhà nhiễm bệnh, trong khi giới chức nghi ngờ virus có thể đã lây lan qua hệ thống đường ống.
"Vì đường ống chất thải kết nối với đường ống khí, rất có khả năng virus trong chất thải đã truyền qua quạt gió vào toilet", giáo sư, nhà vi trùng học Yuen Kwok-yung cho hay, nhưng nói thêm rằng dự đoán chưa được xác thực và việc sơ tán nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân trong tòa nhà.
Chính quyền đã tìm cách xoa dịu nỗi lo về Covid-19, đồng thời bác bỏ những điểm tương đồng giữa tòa nhà Hong Mei House với sự việc tại Amoy Gardens, trong bối cảnh số người chết vì Covid-19 nâng lên 1.115 cùng 45.171 ca nhiễm. Hong Kong có 49 ca nhiễm và một trường hợp tử vong.
Ngoài tình trạng truyền nhiễm bệnh nhanh chóng, chính quyền Hong Kong trong đại dịch SARS còn phải giải quyết những tin đồn và cơn hoảng loạn lây lan nhanh không kém. Một tuần trước khi giới chức hành động, người dân đã mở trang web sosick.org để thu thập thông tin của cư dân tại các chung cư có người nhiễm bệnh, từ Amoy Gardens tới tòa nhà Lower Ngau Tau Kok Estate gần đó.
Malik Peiris, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu bệnh cúm thuộc Đại học Hong Kong, nhận định sự cố tại chung cư Amoy Gardens là bước ngoặt trong đại dịch SARS. "Công chúng khi đó muốn nhận được câu trả lời rõ ràng, điều không phải lúc nào cũng thực hiện được. Bài học rút ra là sự thẳng thắn vô cùng cần thiết trong việc truyền đạt điều chưa chắc chắn", Peiris nói.
Theo bình luận viên Peter Shadbolt của CNN, một bài học khác từ SARS, về mặt dịch tễ học, là các loại dịch bệnh cũng như phương thức lây lan của chúng sẽ không ngừng biến đổi. SARS cũng do một chủng virus corona gây ra, được cho là có nguồn gốc từ loài dơi, sau đó lây sang người thông qua những con cầy hương tại các chợ động vật hoang dã.
Giáo sư Gabriel Leung tại Đại học Hong Kong cho biết các nhà virus học hiện không chỉ xem xét con đường lây bệnh một chiều từ động vật sang người, mà còn từ người sang động vật, sau đó trở lại con người. "SARS là một hồi chuông cảnh tỉnh, không chỉ với Hong Kong mà cả thế giới, cho thấy các bệnh truyền nhiễm luôn hiện hữu. Vi sinh vật sẽ mãi mãi tồn tại cùng chúng ta", Leung nói.
SARS xuất hiện tại 37 quốc gia, với khoảng 8.000 ca nhiễm và 774 người thiệt mạng. 80% nạn nhân ở Trung Quốc, chỉ riêng Hong Kong ghi nhận 300 trường hợp tử vong. Dịch bệnh được kiểm soát vào năm 2003 và không có ca nhiễm nào được báo cáo kể từ năm 2004.
Ánh Ngọc (Theo CNN)