Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, là người quyết định phương án điều trị cho ông Nguyễn Văn Nhật, bị ngộ độc methanol hôm 25/12. Khi đó, hàm lượng methanol trong máu của ông Nhật gấp 10 lần ngưỡng gây ngộ độc.
Phác đồ điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu gồm lọc máu liên tục, truyền dịch, thở máy, bổ sung ethanol... Loại ethanol tiêu chuẩn phải là chế phẩm y tế, dung dịch 43%.
"Bệnh viện Quảng Trị không có sẵn chế phẩm ethanol y tế, tình trạng bệnh nhân lại đang nguy kịch. Chúng tôi phải nhanh chóng quyết định, dùng rượu hoặc bia có ethanol để giải độc, kết hợp lọc máu mới cứu được", bác sĩ Lâm kể lại hôm 9/1, sau khi ông Nhật xuất viện khỏe mạnh.
Ban đầu bác sĩ Lâm tính dùng rượu truyền vào đường tiêu hóa bệnh nhân, vì rượu có nồng độ ethanol cao hơn.
"Tuy nhiên có mối lo xuất hiện, bởi chúng tôi không biết rượu mua ngoài thị trường là thật hay giả, sản xuất ở đâu, nguồn gốc thế nào. Nếu truyền phải rượu giả sẽ rất nguy hiểm", bác sĩ Lâm nhớ lại.
Cuối cùng các thầy thuốc quyết định chọn bia. Bia có nồng độ ethanol thấp hơn nhưng nguồn gốc, nhãn mác ghi độ rõ ràng hơn. Dựa trên đó, bác sĩ sẽ tính lượng bia dùng phù hợp với tình trạng bệnh nhân.
Quyết định xong phương án, bác sĩ Lâm gặp người nhà bệnh nhân để giải thích. Bà Lê Thị Ái Sương, vợ ông Nhật, khi nghe bác sĩ nói mua bia để truyền thì rất kinh ngạc.
"Tôi rất bất ngờ, không tin. Nhưng rồi nghe bác sĩ giải thích là truyền bia để trung hòa chất độc nên đồng ý", bà Sương kể, và cho biết chính bà là người đi mua bia mang vào bệnh viện.
Sáng 26/12, ông Nhật được truyền 3 lon, tức gần một lít. Mỗi giờ sau, ông Nhật được truyền thêm một lon. Tổng cộng, ông được truyền 15 lon bia, tương đương 5 lít. Quá trình truyền bia kéo dài khoảng hơn 12 giờ. Đến sáng hôm sau bệnh nhân có dấu hiệu hồi tỉnh.
Về cơ chế giải độc, bác sĩ Lâm cho biết giữa hai chất ethanol và methanol, gan ưu tiên chuyển hóa ethanol trước và không gây độc. Methanol chuyển hóa sau, và tạo ra chất andehyd gây độc.
Cơ thể ông Nhật đã chuyển hóa hết ethanol và bị ngộ độc andehyd. Nhằm hạn chế andehyd, bác sĩ truyền bia ethanol để "chen hàng". Khi ấy gan ngưng tạo ra andehyd và bác sĩ có thêm thời gian lọc máu cho bệnh nhân.
Bà Sương kể lúc đầu gia đình lo sợ đến tuyệt vọng. Tuy nhiên trong 9 ngày ông Nhật nằm viện, các y bác sĩ đã hết sức tận tình, chu đáo, vô cùng ấm áp tình người và cho bà niềm hy vọng.
"Ơn tái sinh này, gia đình tôi không bao giờ quên", ông Nhật, bà Sương nói.