Người này làm việc tại bệnh viện của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Virginia, nhiễm nCoV lần đầu tiên vào tháng 3 từ một bệnh nhân. Ông được điều trị trong vòng 10 ngày và xuất viện với sức khỏe ổn định.
51 ngày sau đó, ông lây nCoV từ một thành viên trong gia đình. Các bác sĩ xác nhận hai chủng virus hoàn toàn khác nhau. Lần mắc bệnh thứ hai có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Biểu hiện bao gồm ho, sốt, khó thở và hội chứng ruột kích thích. Kết quả chụp X-quang cho thấy hiện tượng thâm nhiễm phổi. Đây là tình trạng khi các khoảng không khí ở một vùng phổi bị lấp đầy bởi dịch lỏng, tiết ra do phản ứng viêm.
Chuyên gia phỏng đoán có thể do chủng nCoV mới mạnh hơn, hoặc nguồn lây đã truyền một lượng virus lớn cho người bệnh. Cũng có khả năng kháng thể từ lần nhiễm trùng đầu tiên đã kích hoạt hệ miễn dịch, khiến bệnh nhân phản ứng mạnh hơn với virus.
Trường hợp của ông được báo cáo trên tạp chí Clinical Infectious Diseases hôm 21/9.
Các chuyên gia nhận định hiện tượng tái nhiễm nCoV còn rất hiếm. Kristian Anderson, giáo sư miễn dịch học và vi sinh học tại Viện Nghiên cứu Scripps Research, California, cho biết: "Chúng tôi không rõ tần suất tái nhiễm có thể thay đổi thế nào theo thời gian. Nếu không có các phân tích sâu hơn, chúng tôi chưa thể vội vàng kết luận một trường hợp này có ý nghĩa thế nào với thời gian duy trì phản ứng miễn dịch, cũng như quá trình phát triển vaccine".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng này không đáng lo ngại. Ngược lại, đây là tín hiệu đáng mừng, đồng nhất với những gì giới khoa học dự liệu từ trước, rằng nhiều khả năng người từng mắc Covid-19 có đáp ứng miễn dịch lâu dài. Các ca tái nhiễm cũng không liên quan đến sự thành bại của vaccine.
Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận ít nhất 5 trường hợp tái nhiễm nCoV, từ Mỹ, Hà Lan, Bỉ và Hong Kong.
Thục Linh (Theo Reuters)