Ngày 22/5, cảnh báo được Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh mạng xã hội xuất hiện nhiều video với hình ảnh nhân vật tự xưng là bác sĩ, lương y các bệnh viện lớn tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh.
Luật An toàn thực phẩm quy định Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm. "Bác sĩ, lương y, nhân viên y tế tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nói.
Làm theo nội dung quảng cáo sai sự thật, người bệnh không đến bệnh viện khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi, tổn thất về kinh tế và tổn hại tới sức khỏe.
Gần đây, các bệnh viện, bác sĩ liên tục bị kẻ xấu giả mạo tên để bán thực phẩm chức năng. Ngày 18/5, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện video nhân vật tự xưng là bác sĩ giới thiệu sách Minh triết trong ăn uống của người phương Đông "có thể chữa bệnh". Video này được chia sẻ lại ở một số trang Facebook cá nhân có hơn 200.000 người theo dõi, tạo niềm tin rằng "bác sĩ Quân y 108" khẳng định "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là "chữa tất cả", sau đó dẫn dắt mua thực phẩm chức năng.
"Việc mạo danh, lấy thương hiệu bác sĩ để trục lợi cá nhân, mua bán thực phẩm chức năng, thuốc, sách ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, tạo những tư tưởng sai sự thật, lệch lạc", đại diện bệnh viện nói, thêm rằng nhân viên y tế không bán thực phẩm chức năng và không bán thuốc ngoài phạm vi bệnh viện.
Đầu tháng 5, đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết mạng xã hội xuất hiện nhiều trang mạo danh, sử dụng tên bệnh viện, lấy hình ảnh và tên TS.BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc bệnh viện, để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh.
Nhiều người trà trộn vào viện đóng giả làm người bệnh và người nhà bệnh nhân bắt chuyện với bệnh nhân thật để bán "nhân sâm, tam thất" không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng, nhãn mác, không ghi thành phần, giá 3-5 triệu đồng một liệu trình điều trị. Nhiều người bệnh bị lừa, mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Lãnh đạo bệnh viện cảnh báo người bệnh nâng cao cảnh giác.
Các bác sĩ cho rằng Bộ Y tế và các Bộ, ngành, doanh nghiệp cần chung tay chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, sản phẩm kém chất lượng; xây dựng cơ sở đánh giá, xác minh nhanh độ thật - giả sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo người dân cần lưu ý chọn đúng sản phẩm khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, cần tới cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.
Đọc kỹ nhãn sản phẩm. Trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe. Sản phẩm ghi thông tin rõ ràng, đầy đủ về nhà sản xuất.
Lê Nga