Khi còn nhỏ, ông đã hứng thú với những cuốn sách về khoa học pháp y. Bị "hút" bởi các bức ảnh chụp thi thể, ông muốn theo học ngành y để hiểu rõ hơn về cái chết.
Richard trở thành bác sĩ pháp y vào năm 1987. Vụ án lớn đầu tiên trong sự nghiệp của ông là vụ xả súng do Michael Ryan (27 tuổi) gây ra khiến 16 người chết tại thị trấn Hungerford (Anh).
Richard kể không thể quên được sự "yên lặng" khi tới hiện trường thấy la liệt thi thể nằm gục trên đường hoặc trên vô-lăng xe.
Mỗi khi tới hiện trường vụ án bạo lực, ông phải tạm từ bỏ ý nghĩ rằng nơi đây đã xảy ra những sự việc kinh khủng và sẽ làm đảo lộn hoàn toàn cuộc đời của người liên quan. Khi ấy, Richard tạm tắt cảm xúc để tập trung vào vết thương và dấu máu,... những thứ thuần túy mang tính chất khoa học và y tế. Nhờ thái độ "dửng dưng" này, Richard tìm thấy niềm đam mê lâu dài và hướng đi trong sự nghiệp.
Những năm cuối cùng của thập niên 1980, nước Anh xảy ra nhiều tai nạn gây thương vong lớn, như vụ đâm tàu hỏa tại ga Clapham Junction ở London vào năm 1988 khiến 35 người chết, vụ va chạm tàu trên sông Thames vào năm 1989 khiến 51 người chết... Là bác sĩ pháp y lành nghề, Richard đã tham gia vào giai đoạn cấp cứu hoặc điều tra của rất nhiều trong số những sự kiện này.
Nhưng công việc không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Richard thường phải đối diện với câu hỏi chất vấn của luật sư bào chữa cũng như ánh mắt soi mói và ngờ vực của công chúng, đặc biệt là trong vụ án được chú ý. Một lần, khi bản nháp của biên bản giải phẫu bị rò rỉ, Richard đã bị công tố viên "vặn" trước tòa về từng dấu chấm câu hoặc từ ngữ bị sửa đổi so với biên bản chính thức.
Tuy vậy, theo Richard, khó khăn nhất trong công việc có lẽ là khi phải đối diện với nỗi đau và cú sốc của thân nhân người chết, với những câu hỏi không có câu trả lời. Nếu được thân nhân hỏi "nạn nhân có đau đớn trước khi chết không?", ông vẫn sẽ trả lời thành thật "không biết" và giải thích cho họ hiểu, thay vì nói qua loa để xoa dịu.
Dù Richard tự hào với khả năng bỏ công việc ở cửa trước khi vào nhà, hôn nhân của ông vẫn bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt và cuối cùng kết thúc vào năm 2007. Richard cho rằng nguyên nhân do ngăn cảm xúc xấu trong công việc, ông cũng đồng thời chặn cả những cảm xúc tốt đẹp khác.
Sau hàng chục năm trong nghề, năm 2016, ông bị chẩn đoán rối loạn stress sau sang chấn, trong đầu thỉnh thoảng lởn vởn ý nghĩ tự sát.
Richard đoán nguyên nhân bị bệnh do sự căng thẳng tích lũy trong 30 năm đương đầu với bạo lực và thế giới của người chết, cũng như do tổn thương tinh thần bị dồn nén khi giải phẫu tổng cộng tới 23.000 thi thể.
"Ban đầu tôi không nhận ra vì tự cho rằng mình đủ khả năng làm việc mà không bị ảnh hưởng. Nhưng căn bệnh như con cá nhỏ gặm nhấm khiến tôi không để ý tới từng miếng cắn bé tí. Chỉ khi nhìn lại, tôi mới nhận ra mình thật sự đã bị công việc tác động".
May mắn thay, nhờ tư vấn tâm lý, tuân thủ phương pháp điều trị và tình yêu với công việc, sau hai năm, Richard nói đã có thể khôi phục đam mê giải mã thi thể. Bất chấp những gì từng trải qua và cái giá phải trả, Richard vẫn yêu nghề, đồng thời khuyến khích người khác theo đuổi công việc này.
Quốc Đạt (Theo The Guardian, GQ, Express)