Đây là sự kiện tập thể do các y bác sĩ những bệnh viện lớn, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19, tổ chức, bao gồm Bellevue, Downstate, Lincoln, Mount Sinai.
Hành động này có ý nghĩa sâu sắc đối với những người đã trải qua 4 tháng đầy căng thẳng, làm việc trên tuyến đầu kể từ khi đại dịch bùng phát. Phần nhiều họ cho biết coi cái chết của George Floyd như vấn đề sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó số khác bày tỏ lo ngại những buổi tụ tập đông người sẽ khiến virus lây lan nhanh chóng.
Đối với một số bác sĩ da màu, giống với đại dịch, các cuộc biểu tình là lời nhắc nhở về các rủi ro sức khỏe mà người Mỹ gốc Phi phải đối mặt hàng ngày.
"Là một nhân viên y tế, nếu nghe thấy ai đó nói ‘Tôi không thể thở’, tôi sẽ chạy ngay đến bên giường bệnh", Teresa Smith, bác sĩ cấp cứu tại Trung tâm y tế SUNY Downstate, thành phố Brooklyn, chia sẻ. Khi nhìn thấy đoạn clip của George Floyd, cô nhớ tới các bệnh nhân suy hô hấp của mình.
Bác sĩ Smith cho rằng việc biểu tình còn quan trọng hơn khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ảnh hưởng sâu sắc đến những da đen sinh sống tại Mỹ. Họ chiếm 13% dân số, song tỷ lệ tử vong lên tới 24%.
Tại thành phố New York, số người da màu và Mỹ Latinh chết do Covid-19 cao gấp đôi người da trắng, theo dữ liệu được giới chức y tế công bố. Hầu hết họ là nhân công của các dịch vụ thiết yếu, việc thực hiện giãn cách xã hội gặp nhiều khó khăn do đặc thù ngành nghề.
"Cộng đồng da màu phải đối mặt với đại dịch đã cướp đi mạng sống của gia đình và người thân. Sau đó, họ tiếp tục chứng kiến cái chết của một công dân cùng chủng tộc dưới bàn tay của người đáng lẽ có nhiệm vụ bảo vệ họ. Hai sự kiện đau lòng nối tiếp nhau", bác sĩ Smith nói.
Đây là lý do khiến tiến sĩ Rob Gore, làm việc tại khoa cấp cứu, Trung tâm y tế SUNY Downstate, dẫn dắt hơn 100 sinh viên và nhân viên điều dưỡng tham gia cuộc biểu tình.
Trong khi đó, Oluyemi Omotoso, bác sĩ tại Trung tâm Y tế Lincoln, quận Bronx, cũng đứng đầu nhóm 100 nhân viên, dành vài phút mỗi ngày để diễn thuyết và mặc niệm cho George Floyd.
Tuy nhiên, ông không khỏi lo lắng rằng các buổi tuần hành, dù ôn hòa, vẫn sẽ khiến số ca nhiễm nCoV tăng đột biến.
"Làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể đến sớm hơn dự đoán, dựa trên tình hình hiện tại. Giống như hầu hết các khoa cấp cứu trong thành phố, chúng tôi đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất", bác sĩ Omotoso nói.
Trước đó, nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo việc sử dụng hơi cay để giải tán đám đông của cảnh sát có thể tăng nguy cơ truyền nCoV.
"Bắt giữ những người biểu tình ôn hòa và đưa họ lên xe tải có thể khiến virus lây lan nhanh chóng. Bên cạnh đó, không nên dùng hơi cay, bởi sẽ gây ra phản ứng ho", Dara Kass, một bác sĩ cấp cứu ở New York, nhận định. Bà đã dành hai tuần liền để tư vấn cho sinh viên và các đồng nghiệp cách giữ an toàn sức khỏe khi tham gia biểu tình.
Một số nhân viên y tế thậm chí tranh thủ tuyên truyền về tầm quan trọng của giãn cách xã hội ngay khi đang tuần hành. Bác sĩ Madison Edens cho biết cô luôn mang theo khẩu trang và phân phát cho người biểu tình tại Quảng trường Union và Quảng trường Thời đại. Cô nhận định vai trò của bác sĩ rất quan trọng tại các sự kiện như thế này, đặc biệt trong giai đoạn công chúng đặt lòng tin vào chuyên môn của cộng đồng y khoa.
"Người dân tìm đến bác sĩ nhiều hơn trước đây. Chúng tôi có nghĩa vụ đứng lên và và thể hiện tinh thần đoàn kết, dù việc tụ tập đông người có những rủi ro nhất định", cô nói.
Thục Linh (Theo NY Times)