BS chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu, Phụ trách trung tâm nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh, Đại học VinUni cùng các cộng sự phát triển thiết bị phẫu thuật nội soi xương 3D nhằm mục đích lấy triệt để khối u nhưng không làm tổn thương các lớp sụn, xương của bệnh nhân khi mổ.
Thông thường đối với những bệnh nhân cần phẫu thuật xương, lấy khối u ra khỏi cơ thể gặp nhiều khó khăn. Có khối u nằm trong lòng xương và ở dưới bề mặt khớp của bệnh nhân rất khó để can thiệp lấy bằng phương pháp thông thường vì bác sĩ phải đục bỏ mặt khớp hoặc sử dụng phương pháp khoan ở thành xương dựa trên kinh nghiệm và hình ảnh chụp X-Quang. Điều này gây ra các tổn thương gãy, vỡ xương thứ phát cho bệnh nhân, nguy cơ làm tái phát khối u.
Theo BS Hiếu, thiết bị của nhóm nghiên cứu có thể tránh tổn thương cho bệnh nhân.
Nhóm thực hiện nghiên cứu với bệnh u nang xương sên, xảy ra khi bệnh nhân chơi thể thao, vận động nhiều gây tổn thương ở nang xương trong xương sên gần bề mặt khớp cổ chân. Trước khi mổ, nhóm sử dụng các phần mềm mô hình hóa 3D để dựng hình ảnh cấu trúc xương bệnh nhân trên máy tính, sau đó thiết kế mô hình "đường hầm" là một đường đi từ bề mặt ngoài xương tới chính xác trung tâm khối u và tiến hành phẫu thuật trên mô hình này. Khi tính toán hết các yếu tố, bác sỹ dựa vào mô hình làm thử trước đó để phẫu thuật cho bệnh nhân với sai số rất thấp, chỉ 0,1 mm.
"Với ca mổ u nang xương sên, độ chính xác gần như tuyệt đối", BS Hiếu cho biết.
Nhóm nghiên cứu cho biết, thời gian thực hiện ca mổ trong khoảng 2-3 ngày, trong đó thời gian mô hình hóa trong khoảng 1-2 giờ, thiết kế mô hình mất khoảng 1-2 ngày và mổ trên bệnh nhân từ 1-2 giờ. Chi phí cho việc mô hình hóa khoảng 2-2,5 triệu đồng mỗi ca.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thành công cho 4 bệnh nhân u nang xương sên tại bệnh viện Vinmec Hà Nội. Sau 2-3 ngày, bệnh nhân có thể tự phục hồi, sinh hoạt, đi lại bình thường, chưa phát hiện trường hợp tái phát.
Theo nhóm, thiết bị định vị phẫu thuật nội soi xương 3D là dạng mô hình cải tiến hỗ trợ bác sỹ tăng khả năng thành công trong ca mổ và nằm trong danh mục kỹ thuật được Bộ Y tế công nhận.
GS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình, hệ thống bệnh viện Vinmec cho biết, nang xương sên có hình dạng rất nhỏ, nằm sâu trong cổ chân nhưng đóng vai trò quan trọng trong chịu lực. Do đó, với việc phẫu thuật u nang xương sên cần giải pháp định vị chính xác trong không gian 3D. Việc tạo ra các mô hình thiết bị dẫn đường phẫu thuật trên phần mềm máy tính, đảm bảo chính xác tuyệt đối nhằm tránh tổn thương cho bệnh nhân.
"Giải pháp của nhóm bác sĩ Hiếu được chúng tôi đánh giá rất cao vì đây là cơ sở để thực hiện các ca phẫu thuật điều trị các tổn thương khác nằm sâu trong cơ thể cần các hỗ trợ dẫn đường chính xác dựa trên công nghệ 3D", GS Dũng nói.
Giải pháp này cũng được hội đồng giám khảo Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 do VnExpress tổ chức đánh giá cao, nghiên cứu có ý nghĩa, mang đến cơ hội cho người bệnh. Ban tổ chức đã trao giải nhì trị giá 30 triệu đồng cho nhóm tác giả.
Đây là mùa đầu tiên, Cuộc thi trao 1 giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng. Toàn bộ tiền giải thưởng do quỹ Hope (Hy vọng) tài trợ. Đây là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo điện tử VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.
Hà An