"Cần khoảng 2-4 tuần để tìm hiểu về biến chủng Omicron, nhưng các loại vaccine hiện nay nhiều khả năng vẫn duy trì hiệu quả mạnh mẽ trong ngăn chặn tình trạng nhập viện. Chúng tôi chưa khẳng định chắc chắn điều này, nhưng có thể suy đoán dựa trên những gì đã biết, cũng như phản ứng của các biến chủng gây lo ngại khác với vaccine", giáo sư Salim Abdool Karim, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Nam Phi, nói trong cuộc họp báo hôm nay.
Ông cho rằng còn quá sớm để kết luận Omicron có dẫn tới nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn những biến chủng nCoV trước đó hay không. "Vấn đề vaccine đã gây lo ngại và dẫn tới phản ứng thái quá khắp thế giới. Dựa trên nhiều nghiên cứu khác nhau, chúng tôi biết rằng khả năng bảo vệ lâu dài của vaccine trước các biến chủng vẫn rất tốt, ở mức trên 90%", giáo sư Karim nói.
Chuyên gia Nam Phi cho rằng chưa có dữ liệu đáng tin cậy về mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm biến chủng Omicron, thêm rằng "chưa có dấu hiệu cảnh báo đỏ" nhưng nhấn mạnh giới chức các nước không được chủ quan.
Biến chủng Omicron được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi và một số nước láng giềng hồi giữa tháng 11, sau đó lan tới các châu lục.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại, cho biết chưa thể chắc chắn về mức độ lây truyền của biến chủng hoặc nó có khả năng né tránh hệ miễn dịch hay không. Mức độ bảo vệ của vaccine chống lại nguy cơ lây nhiễm, diễn tiến nặng hay tử vong của biến chủng này cũng chưa được làm rõ.
WHO nói rằng khuyến cáo y tế đang dựa trên những thông tin hiện nay và sẽ được điều chỉnh khi có thêm dữ liệu. Tổ chức này yêu cầu các quốc gia thành viên tăng cường giám sát, phân tích để nắm rõ những biến chủng nCoV, trong đó có Omicron. Ngoài ra, WHO khuyến cáo các nước áp dụng cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro để "điều chỉnh biện pháp đi lại quốc tế một cách kịp thời".
Vũ Anh (Theo Reuters)