Cụ thể, bác sĩ Hồ trình bày chuyên đề: "Chọn lựa bệnh nhân cho kỹ thuật IVM và CAPA-IVM" và "CAPA-IVM: kích thích buồng trứng cần hay không cần?". Ban tổ chức mời bác sĩ Hồ đến nói chuyện với mong muốn phát triển kỹ thuật CAPA-IVM trong hỗ trợ sinh sản tại Peru và toàn châu Mỹ Latin.
Trước đó, vào ngày 8/11, hội thảo đã trình chiếu video bác sĩ Hồ chọc hút trứng bằng kỹ thuật CAPA-IVM cho từng trường hợp khác nhau trên bệnh nhân. Video giúp hướng dẫn các bác sĩ tham gia hội thảo hiểu rõ hơn về thực hành này.
Cùng tham dự và giảng hội thảo tại Lima, Peru là nhiều tên tuổi thế giới về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản hiện nay. Đó là GS Michel De Vos, Giám đốc Y khoa Trung tâm IVF lớn ở Brussels (Bỉ), TS Sergio Romero - Giám đốc Trung tâm IVF Cefra, GS Johan Smitz - Giám đốc Y khoa, Công ty Lavima và các giáo sư đầu ngành của Peru và Mexico.
Bác sĩ Lê Long Hồ là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ bác sĩ trẻ IVF Mỹ Đức, với mục tiêu phát triển CAPA-IVM, mang lại kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm hiệu quả, an toàn cho người dân Việt Nam.
Kỹ thuật CAPA-IVM hay còn gọi là thụ tinh trong ống nghiệm không kích thích buồng trứng tại IVF Mỹ Đức được xem là một cuộc cách mạng trong điều trị hiếm muộn. Trước đây, kỹ thuật IVF cổ điển cần tiêm nhiều mũi kích thích buồng trứng khiến cho quá trình điều trị của bệnh nhân mang nhiều cảm giác đau âm ỉ. Tuy nhiên, cùng với mức chi phí điều trị, thì với kỹ thuật CAPA-IVM, bệnh nhân được hưởng những lợi ích như: không tiêm kích thích buồng trứng hoặc chỉ tiêm kích thích buồng trứng nhẹ, ít ngày. Kỹ thuật này cũng hạn chế được các biến chứng của thuốc kích thích buồng trứng, đặc biệt là hội chứng quá kích buồng trứng.
Các chuyên gia cho biết, kỹ thuật này tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị đáng kể khi giảm số lần tiêm thuốc, số lần tái khám siêu âm, xét nghiệm nội tiết...
IVF Mỹ Đức bắt đầu thực hiện kỹ thuật IVM từ năm 2006. Tới nay Việt Nam được xem như một trong những nước đi đầu về kỹ thuật này trên thế giới. Bắt đầu từ năm 2016, hệ thống IVF Mỹ Đức, bệnh viện Mỹ Đức đã phát triển kỹ thuật IVM thành CAPA-IVM. Tính đến năm 2024, đã có hơn 800 trẻ sinh ra từ phương pháp CAPA-IVM tại Việt Nam, theo số liệu công bố trong bài báo "Trường hợp trẻ sinh sống sau trữ noãn từ phương pháp nuôi trưởng thành noãn ngoài ống nghiệm (CAPA-IVM)" (Live birth after vitrification of oocytes from capacitation in vitro maturation) của nhóm bác sĩ TP HCM, đăng trên Tạp chí Hỗ trợ sinh sản và di truyền - JARG (Mỹ) tháng 6 vừa qua.
So với phác đồ IVM trước đó, CAPA-IVM cho tỷ lệ trưởng thành noãn cao hơn, chất lượng phôi tốt hơn. Kỹ thuật CAPA-IVM là một nghiên cứu được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao. Hiện nay, IVF Mỹ Đức ở Việt Nam cũng dần trở thành cái nôi đào tạo CAPA-IVM của thế giới và đã tổ chức thành công nhiều khóa đào tạo về CAPA-IVM.
Từ năm 2018, IVF Mỹ Đức đã tổ chức thành công khóa học "ASPIRE MasterClass - State of the art in IVM" thu hút nhiều chuyên gia khắp nơi trên thế giới đến tham quan và học tập. Các chuyên gia về IVM của Việt Nam cũng được mời đến báo cáo tại nhiều hội nghị lớn trên khu vực và thế giới như Hiệp hội Sinh sản Châu Á Thái Bình Dương (ASPIRE), Ovarian Club (Hong Kong)... Nhiều chuyên gia tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn trên thế giới như CCRM (Mỹ), Copenhagen Fertility Center (Đan Mạch), Academic Medical Center Amsterdam (Hà Lan), Kyono ART Clinic (Nhật Bản), Đại học UNSW (Australia)... cũng cử đại diện đến Việt Nam để tham quan và học hỏi về kỹ thuật IVM.
Diệp Chi