Sau ca mổ, bệnh nhân được theo dõi tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình trong tình trạng sức khỏe tương đối ổn định. Ca mổ hy hữu này có sự tham gia của kíp y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và Trung tâm cấp cứu 115.
Bác sĩ Lê Hải Dương, Bộ môn Sản, Đại học Y Thái Bình, người trực tiếp tham gia ca mổ cho biết, theo lời kể của gia đình, khoảng 6h sáng hôm 4/12 bệnh nhân kêu đau bụng, 30 phút sau thì bắt đầu chảy máu. Người nhà định gọi taxi đưa đi cấp cứu nhưng vừa bế ra đến cửa thì thấy thai phụ nhợt nhạt, mặt trắng bệnh, kêu mệt không đi được, xỉu dần. Vì thế, người thân đã liên hệ với trạm y tế xã, đồng thời gọi cấp cứu 115.
“Chúng tôi nhận được tin lúc 7h20, khoảng 8h10 một kíp phẫu thuật đã có mặt tại nhà sản phụ. Khi đó, chúng tôi xác định sẽ phẫu thuật ngay tại chỗ vì bệnh nhân đã bị mất khoảng 3 lít máu do chảy máu trong, nghi ngờ do vỡ khối thai chửa ngoài tử cung. Nếu di chuyển thì bệnh nhân có thể tử vong”, bác sĩ Dương nói.
Về nguyên tắc khi phẫu thuật bàn phải cao, bác sĩ đứng mổ, trong khi giường nơi bệnh nhân nằm thấp, chỉ cao 50cm. Vì thế, trong tình huống cấp bách, kíp mổ đã lấy hai bàn nước ở nhà bệnh nhân chồng lên nhau để làm bàn mổ. Các bác sĩ vừa tiến hành gây mê, hồi sức và vừa mổ. Ca mổ diễn ra trong điều kiện thiếu nhiều phương tiện hỗ trợ cũng như điều kiện về ánh sáng, vô trùng… Sản phụ có nhóm máu hiếm là AB, vì thế, ngoài một phần máu được truyền, người nhà bệnh nhân cũng được huy động thêm để tiếp máu.
"Chúng tôi phải dùng phương pháp bóp bóng thay cho máy thở; dùng gạc thấm máu trong bụng bệnh nhân rồi vắt ra chậu vì không có máy hút máu. Rất may, sau gần 2 giờ phẫu thuật, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch”, bác sĩ Dương cho biết.
Sau khi được truyền 1.000 ml máu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Thái Bình theo dõi. Theo bác sĩ Dương vì khối chửa nằm ở vị trí gần các mạch máu lớn nên mới dẫn đến tình trạng chảy máu nặng như vậy.
Trước đó, bị chậm kinh 15 ngày, thử thai thì thấy 2 vạch, bệnh nhân đi siêu âm thì thai chưa vào tử cung. Bác sĩ hẹn một tuần sau khám lại, quá hẹn một ngày, bệnh nhân bất ngờ rơi vào tình trạng trên.
Ông Đoàn Duy Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thái Bình cho biết, Bệnh viện bao giờ cũng bố trí một kíp trực ngoại bệnh viện, trong đó ít nhất phải có hai bác sĩ phẫu thuật, 1 bác sĩ gây mê, trong những trường hợp cần thiết chi viện, hỗ trợ cho tuyến dưới. Trường hợp bệnh nhân cấp cứu vừa rồi chuyên ngành sản nên Trung tâm cấp cứu 115 gọi điện lên Bệnh viện xin hỗ trợ.
"Ngay lập tức một kíp phẫu thuật đã điều xuống xã để cấp cứu bệnh nhân, ngoài trang thiết bị thiết yếu thì mang theo cả máu đề truyền. Vì tình trạng bệnh nhân nặng, mất máu nhiều nên các bác sĩ đã quyết định mổ cấp cứu tại chỗ; bác sĩ Dương và Tuấn mổ chính", ông Mạnh cho biết.
Chửa ngoài tử cung là một hiện tượng thai nghén bất thường. Khối thai có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó tại ổ bụng như bệnh nhân trên là rất hiếm. Trong 3 tháng đầu, biểu hiện của bệnh thường là: trễ kinh, thử thai dương tính, đau bụng và ra huyết âm đạo (lượng máu ít, máu bầm đen), ra huyết dai dẳng, siêu âm không thấy túi thai trong lòng tử cung... Từ 3 tháng giữa trở đi, các dấu hiệu trở nên rõ ràng hơn. Điều quan trọng là phát hiện sớm khi khối thai chưa vỡ, khả năng có thai lại bình thường cũng cao hơn. Khi chửa ngoài tử cung, hiện tượng vỡ thường diễn ra đột ngột và rầm rộ, cần phẫu thuật kịp thời.
Phương Trang