Chia sẻ tại tập huấn ở TP HCM ngày 19/10, giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội y học Việt Nam cho rằng nghề y có đặc điểm rất đặc biệt, liên quan mật thiết đến sinh mạng con người, đòi hỏi trách nhiệm cao, sức ép nghề nghiệp lớn, nguy hiểm. Xuất phát điểm nghề y không phải nghề kiếm sống mà thuần túy là nhân đạo. Những người hành nghề y đầu tiên là những người cứu vớt tâm hồn và chữa bệnh để cứu vớt thể xác, không phải để mưu sinh trên sự đau khổ của con người.
Trong cơ chế thị trường hiện nay, nghề y từ phục vụ chuyển sang dịch vụ. Câu hỏi nhiều người đặt ra là ngày nay thầy thuốc có mưu sinh bằng nghề nghiệp hay không, quan hệ giữa mưu sinh và hy sinh là thế nào. Theo giáo sư Hùng, nhu cầu chữa bệnh càng ngày hiện đại đòi hỏi bác sĩ được đào tạo với nhiều công sức tiền bạc. Chính vì đầu tư cho y tế lớn nên không nhà nước nào đầu tư nuôi bác sĩ được. Bác sĩ cũng phải hành nghề kiếm sống.
"Nếu lẩn tránh nói tới lợi ích và không chăm lo lợi ích cho bác sĩ sẽ không có đủ động lực thúc đẩy bác sĩ. Tất yếu sẽ dẫn đến 'tự mưu sinh' và gây ra những xung đột lợi ích căng thẳng", giáo sư chia sẻ.
Nguy hại của việc để y bác sĩ tự mưu sinh hoàn toàn là dẫn đến mất công bằng ngay trong đội ngũ thầy thuốc, đặc biệt là người ở vùng sâu vùng xa. Lương của thầy thuốc Việt Nam thấp, thu nhập rất chênh lệch giữa thành phố và nông thôn, giữa các chuyên ngành. Động cơ làm giàu sẽ dẫn đến sai lệch trong xử lý chuyên môn do thiếu tập trung nghề nghiệp, lạm dụng kỹ thuật, phải bịa đặt và lừa bịp bằng nhiều cách. Người thiệt thòi trước hết là người bệnh. Nguy hiểm lâu dài là chính thầy thuốc sẽ trở thành lực cản lớn nhất đối với thực thi các chính sách y tế.
Tuy nhiên giáo sư Hùng nhấn mạnh, nếu làm giàu bằng nghề y tức coi sự ốm đau của người bệnh là cơ hội làm giàu, thì mất tính nhân đạo. Thầy thuốc cần phải hiểu rõ mục đích nghề nghiệp là cứu sống con người nên phải coi mạng sống con người trên quyền lợi cá nhân. Đây là điều kiện để hành nghề và kiếm sống. Phải coi trọng tính mạng bệnh nhân thì mới được người bệnh tín nhiệm, từ đó bác sĩ mới có cơ hội kiếm sống bằng chính nghề của mình.
Với những đặc thù riêng, nghề y là nghề rất dễ ngụy biện và chỉ lương tâm của người cùng hành nghề mới giải thích và thông cảm nổi. Đây là ngành dễ có sự cố y khoa, gây bệnh cho người khác, tai biến, lây bệnh từ người này sang người khác. Bên cạnh y đức cần phải nói tới tính chuyên nghiệp trong y học - y nghiệp. Giáo sư Hùng cho rằng nếu không đổi mới đào tạo nhanh chóng và toàn diện thì trình độ tay nghề khám chữa bệnh của bác sĩ sẽ khó đảm bảo, dễ dẫn đến sai sót không đáng có.
Lê Phương
lephuong@vnexpress.net