Sáng 16/5, trả lời thẩm vấn trong vụ án 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, bị cáo Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) cho hay thiết bị, máy móc do phòng vật tư quản lý, đơn nguyên thận nhân tạo chỉ là đơn vị sử dụng.
Lương chỉ có trách nhiệm điều trị bệnh nhân tại đây và “không phải là người quản lý đơn nguyên này”. Trong quá trình vận hành để chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân, một điều dưỡng viên thấy hệ thống lọc nước RO không đảm bảo nên báo bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) đến kiểm tra chứ anh ta “không làm đề xuất sửa chữa” và cũng "không có trách nhiệm phải kiểm tra".
Theo Lương, điều dưỡng viên trực trong ngày sẽ chịu trách nhiệm nhận bàn giao thiết bị y tế. Ngày 29/5/2017, chị Điệp (điều dưỡng viên đơn nguyên thận nhân tạo) trực nên nhận trách nhiệm bàn giao khi hệ thống lọc nước đã sửa chữa xong.
HĐXX hỏi: “Sau khi sửa chữa xong hệ thống lọc nước ai là người có quyền quyết định đưa vào hoạt động?”. Sau vài giây suy nghĩ, Lương nói: “Bị cáo không biết”.
Trả lời HĐXX, điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp cho biết, ngày 28/5/2017 nhận được điện thoại của anh Sơn nhờ đến mở cửa phòng thiết bị để sửa chữa. 20h30 cùng ngày, chị Điệp được Sơn nhờ đóng cửa. Qua điện thoại, Sơn nói "thiết bị đã sửa xong rồi, mai các chị có thể cho hoạt động bình thường, biên bản đây rồi mai em đưa cho các chị ký”.
Nữ điều dưỡng khai hiểu rằng máy đã sửa xong nên sáng 29/5/2017 thông báo với ba bác sĩ và 9 điều dưỡng. Chị Điệp cho rằng, chỉ “thông báo chung cho mọi người cùng biết” chứ đây không phải trách nhiệm của mình.
Lập biên bản khống để 'hợp thức hoá các thủ tục'
Sáng nay, HĐXX đề nghị hai bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) đối chất về biên bản ngày 28/5/2017 có chữ ký của hai người. Quốc khẳng định, không ký vào hai biên bản bàn giao thiết bị trong ngày 28/5/2017.
Trong khi đó, Sơn thừa nhận, hai biên bản này ghi ngày 28/5 nhưng được lập vào chiều 29/5 (sau khi xảy ra sự cố khiến 8 bệnh nhân tử vong) và đưa cho bị cáo Quốc ký.
Sơn cũng thừa nhận khi lập biên bản này phải có sự chứng kiến của đại diện bệnh viện và đơn vị sửa chữa. Tuy nhiên, sau khi các bệnh nhân tử vong, Sơn mới lập biên bản để “hợp thức hoá các thủ tục”.
Khi HĐXX hỏi: Có ai chỉ đạo việc ký và lập khống biên bản này?, Sơn ấp úng nói: Không.
Theo cáo trạng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thực hiện việc điều trị chạy lọc máu thận nhân tạo từ năm 2009. Sáng 29/5/2017, khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại đây thì đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong.
Nhà chức trách cáo buộc, với trình độ, trách nhiệm được giao, Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định, song sáng 29/5/2017 không kiểm tra lại hệ thống nước RO mà đã ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.
Bùi Mạnh Quốc trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp hai loại hoá chất không có trong danh mục được dùng trong y tế để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước.
Khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn, sáng 29/5/2017, Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng.
Sơn bị cáo buộc đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Chiều 28/5/2017, chỉ nghe qua điện thoại và biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng Sơn lại giao cho điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo.
Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Quốc về tội Vô ý làm chết người.