3 ngày sau cuộc mổ sinh tử, bé trai 4 tuổi vẫn còn đang thở máy và được theo dõi tích cực trong phòng hồi sức Bệnh viện Nhi đồng 1. Ca mổ cấp cứu giành sự sống cháu bé có sự tham gia của hơn 20 y bác sĩ vốn không chuyên về nhi tại Bệnh viện Thống Nhất. Giáo sư Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chỉ đạo kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện.
Đêm 26/10, cháu bé được đưa vào viện cấp cứu với hai vết thương sau lưng và một vết thương trước ngực. Trước đó bé ngã từ lầu 2 xuống đất bị hai thanh sắt hàng rào đâm trúng ở tư thế nằm ngửa. Người nhà nhanh chóng bế cháu khỏi vật nhọn và đưa vào Bệnh viện Thống Nhất. Kết quả siêu âm cho thấy có dịch màng phổi bên phải. Bệnh nhi được đưa thẳng vào phòng phẫu thuật. Thống Nhất là bệnh viện chuyên về điều trị người lớn, không có y dụng cụ lẫn kinh nghiệm gây mê phẫu thuật trẻ em nên các bác sĩ đề nghị chuyển bệnh nhân qua viện nhi.
"Không được chuyển viện, bằng mọi giá phải tiến hành phẫu thuật ngay tại đây vì nếu di chuyển bệnh nhân chắc chắn sẽ chết trên đường", giáo sư Nguyễn Đức Công quyết định. Tận dụng thiết bị dành cho trẻ con ở khoa cấp cứu và những dụng cụ phẫu thuật cỡ nhỏ, các y bác sĩ bắt đầu tiến hành gây mê và đặt nội khí quản cho bé. Ngân hàng máu được huy động vì bệnh nhân mất máu quá nhiều. Bác sĩ có kinh nghiệm về phẫu thuật lồng ngực cũng phối hợp khâu các vết thương, cầm máu.
Giữa lúc kíp cấp cứu đang tất bật trong cuộc chiến giữ tính mạng bệnh nhi, giáo sư Công cầu viện bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1. Trong quá trình dẫn lưu dịch màng phổi, bệnh nhi ngưng tim trên bàn mổ. Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã bóp tim, hồi sức cho tim đập lại. Khi bác sĩ Hiếu có mặt sau cuộc gọi chừng 10 phút, với kinh nghiệm ngoại nhi, ông đề nghị bỏ qua siêu âm tim mà tiến hành mở ngực ngay.
"Dù được bơm máu nhưng da niêm bệnh nhân vẫn nhợt nhạt, chứng tỏ tình trạng chảy máu đang tiếp diễn, phải vừa hồi sức vừa mở ngực ngay thì mới có cơ may cứu sống", bác sĩ Hiếu nhận định. Sau một phút thảo luận ngay trên bàn phẫu thuật, cuộc mổ bắt đầu. Kết quả mở ngực cho thấy ở vùng tâm nhĩ bên phải bé có vết rách khoảng 3 cm, máu chảy ra rất nhiều. Các bác sĩ dùng tay bịt lỗ thủng của tim để cầm máu, sau đó dùng phương tiện phẫu thuật kẹp lại cầm máu, khâu vết thủng ở tim. Tiếp tục thám sát phổi, kíp mổ phát hiện có 2 vết rách ở phổi.
Nửa đêm, cuộc mổ hoàn tất trong sự thở phào của các y bác sĩ, sử dụng tổng cộng 5 đơn vị máu. Lượng máu mất quá nhiều, không thể truyền kịp nên các bác sĩ phải hút máu từ bịch đẩy trực tiếp vào cơ thể bệnh nhi. Sau khi khâu tất cả vết thủng tim, phổi, bệnh nhân qua cơn nguy kịch nhưng các chỉ số sinh hiệu vẫn chưa ổn định. Bệnh viện Thống Nhất không có máy móc trang thiết bị hồi sức nhi, bệnh nhân được chuyển sang hồi sức tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ngay trong đêm.
Kết quả kiểm tra chiều 28/10 cho thấy khoang lồng ngực bé sạch, không có máu tụ, tim hoạt động tốt, những chỗ khâu không có vấn đề. Tuy nhiên chân bé hơi yếu, phim X-quang ghi nhận tình trạng gãy thân đốt sống ngực số 8, nghi ngờ dập tủy nên xuất hiện triệu chứng yếu hai chi. Ngoài ra, bệnh nhi còn gãy xương sườn số 9, 10 ở khung sau bên trái. Cháu bé được tiếp tục theo dõi sát để có những xử lý tiếp theo.
"Trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ nên mổ, gây mê những trường hợp nguy cấp đòi hỏi kinh nghiệm ngoại nhi như thế này sẽ vô cùng khó khăn đối với phẫu thuật viên chuyên về người lớn", bác sĩ Hiếu chia sẻ. Ông cũng nhận định nếu ngay từ đầu các đồng nghiệp Bệnh viện Thống Nhất cho chuyển viện mà không nỗ lực cấp cứu và nhờ đến sự phối hợp liên viện kịp thời thì bệnh nhân sẽ khó qua khỏi.
Lê Phương