Đây là lần đầu tiên một bác sĩ phải ra tòa liên quan đến vấn đề trợ tử kể từ khi Hà Lan hợp pháp hóa việc này năm 2002.
Bác sĩ về hưu 68 tuổi Christian A., tiêm thuốc an thần và trợ tử cho bệnh nhân mất trí nhớ, nhưng trong quá trình tiêm bệnh nhân tỉnh dậy. Các công tố viên cho rằng bác sĩ đã không thực hiện đủ quy trình chuẩn bị. Họ không đề nghị án phạt gì, nhưng muốn đưa sự việc ra xét xử để làm rõ các khía cạnh pháp lý liên quan.
Bệnh nhân bị Alzheimer từ năm 2012, từng viết văn bản bày tỏ mong muốn được trợ tử và quyền quyết định thời điểm qua đời khi vẫn còn có khả năng. Khi bà cụ được đưa vào nhà dưỡng lão, bác sĩ quyết định trợ tử cho bà theo ý nguyện này. Alzheimer là bệnh sa sút trí tuệ, người bệnh dần lâm tình trạng mất trí nhớ.
Kể từ khi vào nhà dưỡng lão, bệnh nhân không còn khả năng biểu đạt rõ ràng. Có ngày bà nói đến việc muốn an tử đến 20 lần, nhưng cũng có lúc nói về mong muốn sống.
Vào ngày đã định, bệnh nhân được uống cà phê pha thuốc an thần và mất dần ý thức. Tuy nhiên, trong khi bác sĩ đang tiêm thuốc trợ tử thì bà tỉnh thức, được vợ chồng cô con gái giữ yên trong lúc quá trình tiêm thuốc trợ tử diễn ra. Công tố viên xác định "bệnh nhân đã có dấu hiệu kháng cự trong suốt quá trình trợ tử", và lẽ ra bác sĩ nên thảo luận rõ ràng hơn với bệnh nhân trước khi thực hiện quá trình tiêm thuốc trợ tử.
"Câu hỏi quan trọng trong trường hợp này là bác sĩ nên tiếp tục điều trị cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ trong bao lâu nếu người này trước đó đã yêu cầu được an tử khi còn sáng suốt", công tố viên Sanna van der Harg cho hay.
Bác sĩ phản biện sự tỉnh dậy chỉ là phản xạ tự nhiên của con người. Gia đình bệnh nhân ủng hộ ý kiến của bác sĩ. Con gái bệnh nhân nói bác sĩ đã giải thoát linh hồn của mẹ mình khỏi "nhà tù của bệnh tâm thần".
Hà Lan là một trong số ít quốc gia hiện nay cho phép trợ tử - công nhận quyền được chết của một người. Nhiều người ở các nước không cho phép trợ tử đã đến Hà Lan để được chết êm ái.
Thu Hương (Theo BBC)