Trong cuộc phỏng vấn hôm 9/4 trên chương trình Good Morning America, bác sĩ Mỹ gốc Việt David Dao cho hay dù sự việc xảy ra tròn 2 năm trước khiến mình và gia đình rất hoảng loạn, ông không hối tiếc vì đã giữ vững quan điểm và khiến hãng United Airlines phải xem xét lại các chính sách.
Ngày 9/4/2017, ông Dao vừa lên chuyến bay 3411 từ Chicago đi Louisville, bang Kentucky không lâu thì bất ngờ được thông báo rằng mình phải rời đi để nhường ghế cho các nhân viên của United Airlines, do chuyến bay bị đặt vé quá chỗ.
Theo video do các hành khách khác quay lại, ông Dao bị các nhân viên an ninh dùng vũ lực lôi khỏi ghế ngồi dù đã thắt dây an toàn và bị kéo lê trên mặt đất giữa những tiếng la hét hoảng hốt. Một nhân chứng kể trong lúc bị lôi đi, mặt ông Dao va vào tay vịn ghế máy bay, khiến miệng ông chảy máu.
10 phút sau đó, ông chạy ngược lại với gương mặt vẫn chảy máu, quần áo xộc xệch, mắt kính suýt rơi ra. Ông luôn miệng nói: "Họ sẽ giết tôi, tôi muốn về nhà". Các nhân viên an ninh tiếp tục xuất hiện và đưa ông ra khỏi máy bay lần thứ hai, nhưng lần này là trên một chiếc cáng. Những đoạn video ghi lại toàn bộ sự việc đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới.
Ông Dao cho hay nhiều tháng sau, ông vẫn không dám xem lại cảnh tượng hôm đó. "Tôi chỉ khóc", ông nói.
Dao kể rằng ông đã kiên quyết không rời khỏi máy bay vì cảm thấy đang bị phân biệt đối xử và ông cần phải quay về Kentucky để dự lễ khánh thành một phòng khám mà ông thành lập cho các cựu binh Mỹ. Sau khi bị lôi khỏi ghế, ông cho hay mình không nhớ được gì vì đầu bị va vào trần cabin. Ông chỉ nghe "một tiếng động lớn" rồi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong bệnh viện với một nhóm bác sĩ xung quanh và không biết câu chuyện đang gây xôn xao trên mạng. Ông bị giới truyền thông săn đón đến mức có lúc phải trốn trong nhà.
Những tháng đầu sau sự việc trôi qua "rất tồi tệ", ông nói. Dao bị chấn động, rách miệng và mũi, gãy 2 chiếc răng. Ông thậm chí bị các y tá giám sát để tránh trường hợp tự tử và mất nhiều tháng để tập đi lại.
Trong suốt thời gian nằm viện, ông Dao đã tự động viên mình và hứa với Chúa rằng sẽ đóng góp cho hoạt động thiện nguyện một khi khỏe lại. Sau khi ra viện, ông đã giúp đỡ những người dân ở Texas bị mất nhà cửa do cơn bão Harvey, đến Việt Nam và Campuchia hỗ trợ lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời ở những ngôi làng không có điện.
Thậm chí ở vùng Đông Á, mọi người cũng biết tới câu chuyện của ông. Một người đàn ông lớn tuổi đã tiếp cận ông Dao và hỏi "Có phải ông là người trên máy bay không?".
"Điều đó khiến tôi xúc động", bác sĩ kể, cố nén nước mắt.
Sau cú sốc, ông Dao gặp vấn đề về ngủ, tập trung và cân bằng. Trước sự cố, ông từng tham gia hơn 20 cuộc marathon nhưng bây giờ, ông chỉ có thể chạy bộ chưa đến 5 km, trong đó ít nhất một km là đi bộ.
United Airlines ban đầu cáo buộc ông Dao "hung hăng" nhưng sau đó đã xin lỗi và cam kết tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về sự việc. Oscar Munoz, CEO của hãng, cho biết ông "rất xấu hổ" khi xem video về ông Dao và khẳng định "việc này sẽ không bao giờ tái diễn".
Khi được hỏi về cách hành xử của hãng hàng không Mỹ, ông Dao cho rằng các nhân viên lẽ ra có thể giải thích lý do buộc ông rời khỏi chuyến bay một cách thân thiện và thích hợp hơn.
Bác sĩ đã nghỉ hưu nói rằng sự cố xảy ra với ông vẫn có mặt tích cực vì đã buộc United Airlines phải nghiêm túc cân nhắc lại và điều chỉnh các chính sách của họ. "Mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó", ông nói.
Sự việc khép lại vài tuần sau đó, khi United Airlines đạt thỏa thuận bồi thường với ông Dao, dù số tiền cụ thể không được công bố. Ông quyết định lên tiếng lần đầu tiên sau 2 năm vì muốn cảm ơn những người ủng hộ mình trên toàn thế giới.
Dao nói ông đã tha thứ cho hãng hàng không cũng như các nhân viên an ninh kéo lê mình. "Tôi không giận họ. Đó là việc họ phải làm. Nếu họ không làm như thế, họ sẽ mất việc", ông nói.
Anh Ngọc (Theo ABC News)