6h30, bà Nguyễn Ngọc Điểu, 77 tuổi, phường 4, thành phố Vĩnh Long đang ăn bữa sáng sau bếp, trước nhà có tiếng gọi, "mở cửa cho con ngoại ơi".
"Bà ra liền nè!", bà nói vọng ra rồi buông đũa, vớ chìa khóa trên bàn, vội mở cửa đón hai bà cháu từ Hậu Giang lên. Trải tấm nệm tập cho đứa trẻ nằm, bà lựa bộ đồ blouse trắng treo trên sào. Bộ thì ố vàng, bộ thì sờn vai... 3 phút sau, bà chọn được một bộ nhìn mới nhất, nhưng ống quần thủng 2 lỗ. Bà bắt tay massage luôn cho cô bé 2,5 tuổi, mà quên mất tô hủ tiếu vẫn còn một nửa.
Bà nội bé muốn thuê trọ ở lại tập lâu dài, nhưng bà Điểu từ chối. "Nghỉ Tết một tháng cho mấy nhỏ về quê. Giờ sắp Tết, bây lên đây ít bữa về lại phí tiền. Giờ nhìn bà làm cho kỹ rồi về làm theo, qua Tết lên đây", bà dặn dò.

Mỗi ngày, cơ sở của bà Điểu tiếp nhận khoảng 50 bé đến tập luyện, cả trong và ngoài tỉnh, từ tận Quảng Ngãi, Hà Nội vào. Ảnh: Diệp Phan.
Chừng nửa tiếng sau, người đến đông dần, tiếng trẻ em, người lớn lao xao. Chốc chốc lại có tiếng "ngoại ơi", hay "con chào bà cố" của các phụ huynh hay tụi trẻ. Đó còn là cách họ thể hiện sự quý mến với bà bác sĩ già - người đã mở cơ sở phục hồi chức năng miễn phí, giúp hàng ngàn trẻ bại não, khuyết tật đi lại được suốt 15 năm nay.
Cơ duyên làm việc này đến với bà hơn 20 năm trước, khi đang là Phó Giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Vĩnh Long, bà lập ra khoa Vật lý trị liệu. Trong một chuyến đi vận động người khuyết tật đến bệnh viện chữa trị, bà gặp cậu bé Vẹn ở thành phố Vĩnh Long bị bại não,16 tuổi chỉ biết bò, không nói được.
Công tác lâu trong ngành y, chứng kiến nhiều cảnh khổ, nhưng nhìn một đứa trẻ bại não ngờ nghệch bà vẫn đau lòng. Ba mẹ Vẹn đi làm, để em một mình ở góc bếp, tới bữa cho ăn. "Nếu Vẹn không giao tiếp, không tập luyện thì em không có tương lai, Vẹn hoàn toàn có cơ hội sống một cuộc đời khác", bà nghĩ.
Bà hỏi Vẹn: "Có muốn đi tập với bà không?" Cậu bé ú ớ, ánh mắt vô thần ngước nhìn. Khi về, cậu bò theo chân bà ra cửa. Vậy là bà đưa bé về tập phục hồi chức năng tại bệnh viện. 6 năm sau Vẹn nói được những từ đơn giản, có thể chống nạng đi bán vé số, kiếm tiền nuôi bản thân.
Thấy việc làm của mình có kết quả, năm 2004, về hưu khi ở tuổi 62 tuổi, bác sĩ Điểu dồn hết tiền dành dụm và lương hưu để mở cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não ngay tại nhà mình. Nhiều người, cả trong ngành y, bảo: "Bả làm cho rộn lên thôi chứ được ích gì, mấy đứa bại não thì sống được bao lâu".
"Vấn đề phục hồi chức năng cho trẻ bại não thời điểm đó chưa được xã hội quan tâm, tôi không chồng, không con thì lo gì, giúp được ai thì làm, không thể nhìn các em nằm một chỗ chờ chết", bà nhớ lại.
Bài tập chủ yếu là massage toàn thân, tập trung ở các bó cơ, đám rối dây thần kinh để kích thích phát triển, kết hợp với dụng cụ hỗ trợ. Mỗi ngày, bà tập khoảng 20 ca, mỗi ca khoảng 20 phút. Ngoài ra, bà còn thuê thêm 2 kỹ thuật viên vật lý trị liệu đã về hưu đến phụ. Mọi hoạt động đều duy trì bằng lương hưu 10 triệu mỗi tháng.
Chị Trương Thị Cẩm, 44 tuổi, quê Vĩnh Long, thuê nhà trọ cạnh đó, sống cùng con trai 6 tuổi tập luyện đã 5 năm nay. "Con tôi được bà tập từ khi 6 tháng tuổi, nên các cơ không bị co rút như các bé bại não khác, bữa nay đã tự đi được", chị vui mừng khoe.

Bà Điểu nịt lại dây an toàn cho bé bại não tập đứng trên dụng cụ hỗ trợ. Ảnh: Phan Diệp.
Những đứa trẻ ngây ngô, thường tranh giành để được "bà cố" tập trước, tuy nhiên khi vào tập lại vùng vẫy, khóc rất to. Chị Cẩm ghìm chặt 2 chân con mình, còn bà dùng hai chân kẹp tay Thịnh để massage đầu, hơn 10 phút, hai người mới trấn an được Thịnh nằm yên. Những lúc bị đau, Thịnh vùng mạnh khiến bà bật ngửa 2 lần, tóc tai rối bù sau gần 30 phút.
"Mấy đứa nhỏ thì dễ, còn mấy đứa lớn nó gồng tôi không giữ nổi nữa, một tháng nay ngày nào cũng phải dán miếng giảm đau ở cổ tay", bà vừa xoa cổ tay sưng vừa nói.
Trước đây, những người khuyết tật đến với bà thường khi đã lớn tuổi, sau vài năm tập luyện, được bà Điểu vận động các mạnh thường quân hỗ trợ xe lăn, giới thiệu vào các trung tâm dạy nghề, giúp có công việc ổn định. Vào dịp Tết họ lại rủ nhau đến nhà "bà ngoại" chơi. "Có nhiều đứa trong nhóm thương nhau rồi đám cưới, chúng nó đều nhờ tui làm chủ hôn cả", bà cười.
3 năm nay, trẻ đến với bà có độ tuổi nhỏ dần, có bé chỉ mới vài tháng tuổi, là điều giúp bà thêm động lực, "vì can thiệp sớm, sẽ có cơ hội phục hồi sớm".

Không lập gia đình, bà Điểu xem gia đình những đứa trẻ khuyết tật là người thân của mình. Ảnh: Diệp Phan.
Đưa con đến tập, nhiều phụ huynh mải nói chuyện, không để ý quan sát các động tác, bà nói giận, "tới đây mỗi giây phút đều quý, tụi bây không lo để ý, tao giận là tao bỏ luôn hà!". Nói vậy, nhưng chưa bao giờ bà nghĩ sẽ đóng cửa cơ sở này khi mình vẫn còn sức khỏe.
Năm 2009, một đứa trẻ bại não được bà tập gần 2 năm nhưng không có kết quả, em yếu dần và mất sau một cơn sốt. Suốt nửa tháng, hễ đặt lưng ngủ, bà lại nghĩ về lý do ra đi của bé. "Nhiều trẻ tiến bộ, khỏe lên thế cơ mà", bà trăn trở.
Rồi bà chợt nhớ ra, ba mẹ đứa bé rất nghèo, từ nhỏ em đã bị suy dinh dưỡng nặng, em mất không phải do căn bệnh bại não, mà do không đủ sức đề kháng để vượt qua cơn sốt nhẹ.
Từ đó, bà Điểu liên hệ với các doanh nghiệp để tặng sữa, vitamin và cơm miễn phí hằng ngày cho các bé tại cơ sở, đồng thời tặng thêm nhiều bò giống cho phụ huynh tăng gia sản xuất. Bởi theo bà, ngoài tập luyện thì trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe, cha mẹ cũng cần có việc ổn định mới lo cho con được.
Năm 2013, bà Điểu hôn mê phải nằm viện 2 tuần. Bác sĩ dặn bà về nhà nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh. Nhưng cửa cơ sở vẫn mở, cha mẹ vẫn đưa con đến. Nằm dưới nhà, nghe có tiếng trẻ nói, "bà cố tập đau lắm, nhưng con ráng chịu để được đi học", nghe vậy, bà lại khoác áo blouse, tiếp tục công việc.
Chưa một ngày học về kỹ thuật vật lý trị liệu, nhưng kể từ ngày gặp cậu bé Vẹn, bà luôn tự tìm hiểu, đọc sách báo, tìm mọi cách để giúp trẻ bại não. 2 cuốn atlas giải phẫu người kê đầu giường, vị bác sĩ già vẫn nghiên cứu hằng đêm.
Ông Trần Đăng Khoa, cán bộ Văn hóa Xã hội, phường 4, thành phố Vĩnh Long cho biết, "hoạt động của cơ sở do một tay bác sĩ Điểu gánh vác, từ tài chính đến hình thức tập luyện".
Tháng 11 vừa qua, bà được nhận giải thưởng KOVA ở hạng mục Sống đẹp, giải thưởng tôn vinh những cá nhân, tập thể xuất sắc trong nhiều lĩnh vực trên khắp cả nước.

Bà Điểu dành 2/3 diện tích nhà làm nơi tập luyện cho trẻ bại não, khuyết tật với đầy đủ dụng cụ hỗ trợ. Ảnh: Diệp Phan.
Bà Điểu không nhớ lần gần nhất mua đồ mới là khi nào. Đi ngủ bà trải chiếc chiếu con xuống nền, đắp chiếc chăn của một em bé khuyết tật may tặng. "Lương hưu 10 triệu, tui xài cho mình chưa tới một triệu, tôi không cần nằm nệm, cũng chẳng cần áo quần đẹp, dư tiền tui lo cho mấy đứa nhỏ", bà nói.
Cả tháng bà Điểu không đi chợ vì mỗi ngày đều được phụ huynh gửi đồ ăn. Lúc là quả dưa leo nhà trồng, lúc là con cá họ bắt dưới ao, bà ăn đạm bạc qua bữa. Hôm nay bà vừa được tặng 2 quả xoài lớn, nhưng lại không nhớ của ai. "Đứa nào cũng sợ tôi la vì đem đồ cho hoài, nên tụi nó cứ đem thẳng xuống bếp", bà kể.
Gần 13h, cũng là lúc hết các ca bệnh, nhiều phụ huynh ngồi lại tự tập thêm cho con và ăn cơm từ thiện. Bà dựa vào tường thở mệt, giơ cánh tay lên, cười bảo: "Bây kéo tao dậy cái nha, tao đau lưng quá". Một vị phụ huynh đưa tay ra, bà Điểu nắm chặt, ráng gồng mình đứng dậy. Tay trái cầm hộp cơm từ thiện, tay phải vỗ lưng, bà bước chậm ra sau bếp, ngồi vào bàn ăn cơm một mình.
Diệp Phan