Tôi là bác sĩ công tác tại bệnh viện tuyến tỉnh hơn 5 năm và đã vào biên chế nhà nước được 4 năm. Gần đây tình trạng nhân viên y tế nghỉ, hoặc bỏ việc diễn ra rất nhiều nên bệnh viện tôi soạn thảo bản cam kết đi học nâng cao cho bác sĩ.
Theo đó, các bác sĩ đi học phải cam kết phục vụ tại bệnh viện gấp 6 lần thời gian học, hoặc bồi thường gấp 5 số tiền đã nhận, nếu nghỉ ngang hoặc chưa phục vụ đủ thời gian. Tức là học Chuyên khoa 1 hay Thạc sĩ sẽ phải về làm việc 12 năm. Hiện, các bác sĩ rất đắn đo không biết có nên đi học hay không, đa phần còn lại đã nghỉ để tự đi thi và học tự do.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là, để đi học Chuyên khoa 1 hay Thạc sĩ thì bệnh viện chỉ có giấy "đồng ý cho đi học", còn các bác sĩ vẫn phải tự tham gia thi cử chứ không phải là dạng chỉ việc đi học, không cần thi như cử tuyển.
Xin hỏi, bệnh viện công tự ra quy định như vậy có vi phạm luật lao động, viên chức không, trong khi ở bản hợp đồng tuyển dụng đầu tiên đã có cam kết cho đi học nâng cao nghiệp vụ?
Luật sư tư vấn
Khoản 2 Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định các điều kiện đối với viên chức tham gia đào tạo sau đại học gồm:
- Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có).
- Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.
- Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Khoản 3 Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định viên chức phải đền bù chi phí đào tạo nếu đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết. Điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định này quy định chi phí đền bù được tính theo công thức:
S = (T1/F) x (T1-T2)
Trong đó:
- S là chi phí đền bù.
- F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho một người tham gia khóa học.
- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn.
- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.
Như vậy, việc giữa bệnh viện và bác sĩ có cam kết yêu cầu phải đền bù gấp 5 lần số tiền đã nhận vì không phục vụ đủ thời gian là không phù hợp.
Đồng thời tại khoản 1 Điều 28 Luật Viên chức 2010 có quy định: trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc. Khi đã chấp thuận thì các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc. Trong thời gian tiến hành thỏa thuận, các bên vẫn phải tuân theo hợp đồng làm việc đã ký kết. Trường hợp không thoả thuận được thì các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng làm việc.
Theo đó, việc thay đổi bản cam kết đã ký ở hợp đồng làm việc phải theo thỏa thuận, bệnh viện không được tự ý thay đổi nội dung hợp đồng.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV TA PHA