Trong chương trình đào tạo nâng cao nghiệp vụ diễn ra vào mùa hè năm nay, Thiếu tá Charles H. Chesnut III, một bác sĩ thuộc lực lượng không quân Mỹ, học thêm kỹ năng mới. Đó là tiến hành các cuộc phẫu thuật di động chớp nhoáng trong vòng 10 phút, khoảng thời gian máy bay quân sự hạ cánh trong vùng xảy ra chiến sự, để chữa trị cho những binh lính bị trúng đạn tầm xa, bị thương do mảnh bom mìn găm vào người hoặc do vật liệu nổ.
Vào đêm ngày 1/10, nam bác sĩ quân y 34 tuổi này trải qua một bài kiểm tra khắc nghiệt chưa từng có. Lần kiểm tra này không diễn ra trên chiến trường mà xảy ra ngay trên chính mảnh đất quê hương. Và những bệnh nhân mà Thiếu tá Chesnut chữa trị không phải là các quân nhân chuyên nghiệp mà là những người dân thường, một số là hàng xóm của anh, Washington Post đưa tin.
Vụ xả súng tại Las Vegas trở thành "cuộc thử lửa" để Chesnut áp dụng các kiến thức mới học vào thực tế: chữa trị cho các bệnh nhân bị thương ở nhiều nơi trên cơ thể do súng đạn.
Dựa trên kinh nghiệm thu thập được từ các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, không quân Mỹ vừa hoàn thiện việc xây dựng một đội ngũ các bác sĩ chuyên thực hiện các cuộc phẫu thuật di động trong hoàn cảnh có chiến sự. Đây là những nhóm y tế nhỏ, linh hoạt và dã chiến có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng ngay trên chiến trường, theo Đại tá Virginia A. Garner, chỉ huy của đội quân y 99.
Sau khi nhận cú điện thoại khẩn cấp về vụ thảm sát, Chesnut ngay lập tức lao ra xe ôtô và phóng như bay tới trung tâm y tế nam Nevada. Khi anh vừa tới nơi, nạn nhân của vụ xả súng bắt đầu tràn vào bệnh viện.
Những gì diễn ra sau đó đã biến đêm ngày 1/10 trở thành một trong những sự kiện cuồng loạn nhất sự nghiệp làm bác sĩ quân y của Thiếu tá Chesnut.
"Có những vết thương mà tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thấy ở đây", bác sĩ Chesnut kể lại rằng anh phải thay tới 40 chiếc áo choàng phẫu thuật chỉ để xử lý các vết thương.
Tại bệnh viện, Chesnut không phải là bác sĩ quân y duy nhất. Căn cứ không quân tại Las Vegas đồng thời cử Thượng tá Jason Compton cùng hai bác sĩ phẫu thuật khác đến ứng cứu.
Trong một cuộc phỏng vấn ba ngày sau thảm kịch, Chesnut và Compton nhớ lại cảnh tưởng kinh hoàng tại bệnh viện và thầm cảm ơn những kinh nghiệm trên chiến trường cũng như các khóa đào tạo quân y đã giúp họ xử lý tình huống lúc đó tốt hơn.
Tay súng Stephen Paddock, đứng trên tầng 32 của khách sạn, nã đạn xuống đám đông tham dự một buổi ca nhạc, hạ sát 58 người và làm 500 người bị thương. Bệnh viện nam Nevada tiếp nhận và chữa trị có 104 nạn nhân. Hơn 80% trong số đó bị thương do trúng đạn cỡ lớn. Lực tác động lớn của đạn gây tổn thương từ phần mềm cho đến các cơ quan nội tạng.
"Những vết thương kiểu này anh chắc chắn sẽ thấy ở những vùng chiến sự", Thượng tá Compton, chỉ huy của nhóm bác sĩ phẫu thuật không quân thuộc đội quân y 99 từng hai lần được điều động tới bệnh viện quân y của Mỹ tại Qatar, chia sẻ.
Khi Chesnut và Compton tới, các bác sĩ và y tá ở bệnh viện đã tạm thời sơ cứu bằng cách quấn dây vải hoặc dây cao su để cầm máu cho nhiều bệnh nhân. Họ ý thức được đây là thời khắc phải đưa ra những đánh giá và quyết định nhanh chóng, nếu chần chừ bệnh nhân có thể chết do mất máu.
Bệnh nhân được đưa đến ngày càng nhiều. Bệnh viện nam Nevada gồng lên chống đỡ. Hai bác sĩ quân y Chesnut và Compton cho biết kỹ năng phân loại người bệnh theo thứ tự ưu tiên, thường được áp dụng để phân loại và vận chuyển binh lính bị thương trên chiến trường, trở nên vô cùng hữu dụng.
"Chúng tôi dùng rất ít máu tiếp, không chụp CT, chỉ siêu âm và dùng kỹ năng chẩn đoán lâm sàng", Thiếu tá Chesnut nói. "Do vậy, khi tôi bước vào khu vực cấp cứu vào đêm chủ nhật, rạng sáng ngày thứ hai, tôi tự nhủ rằng 'Tôi sẽ chữa trị cho những bệnh nhân này như thể tôi đang làm công việc của mình trên sa mạc với một đội chỉ có 5 người'".
Theo thiết kế, một đội 5 người bao gồm một bác sĩ phẫu thuật, một bác sĩ gây mê hồi sức, một trợ lý cấp cứu, một y tá chuyên xử lý các tình huống nguy kịch, một phụ mổ và một người điều hành cả ê-kíp. Mỗi đội này có thể thực hiện liên tiếp 5 ca mổ ngoài trời trong điều kiện vô trùng. Họ cũng được trang bị kỹ năng đánh giá, phân loại những bệnh nhân đủ sức khỏe để vận chuyển về bệnh viện hậu phương điều trị.
Ban đầu, hai bác sĩ quân y thấy 20-30 bệnh nhân với các vết thương ở tay và chân nằm chờ ngoài sảnh. Để những người này được điều trị kịp thời, họ bắt tay vào giúp các bác sĩ của bệnh viên kiểm tra mạch bệnh nhân. Nếu mạch đập yếu hơn so với bên chi lành thì đó là dấu hiệu cho thấy có thể sẽ phải cắt bỏ phần cánh tay hoặc chân bị trúng đạn.
Tiếp tục khám, nếu không cần phải dùng đến phẫu thuật cắt chi, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá xem bệnh nhân có bị thương nội tạng hay không. Vũ khí với tầm bắn xa có thể gây ra những vết thương với miệng kín và nhỏ, Compton cho biết.
"Số lượng máy chụp CT ở bệnh viện có hạn, trong khi đó, chúng tôi có quá nhiều bệnh nhân bị thương ở chi trên hoặc chi dưới... Vậy ai sẽ được chụp CT trước đây?", Thượng tá Compton, bác sĩ quân y với 11 năm kinh nghiệm phục vụ trong không quân, nói. "Kỹ năng phân loại bệnh nhân theo thứ tự ưu tiên mà chúng tôi đã học và thực hành với những đội y tế nhỏ, ở những nơi mà 5-6 bệnh nhân cũng có thể khiến bạn mất bình tĩnh. Tất cả những kinh nghiệm đó đã giúp chúng tôi quyết định bệnh nhân nào sẽ được chụp CT trước".
Cảnh sát ứng phó với vụ xả súng ở Las Vegas. Nguồn: NBC News.
Sau khi giải quyết xong khâu phân loại người bệnh, hai bác sĩ không quân bắt tay vào giúp đội ngũ các bác sĩ và y tá chăm sóc cho các trường hợp bị thương nặng hơn.
Do tay súng Paddock nã đạn từ tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay xuống, nhiều viên đạn đã đâm thẳng vào ngực nạn nhân trước khi chạy xuyên xuống bụng, gây ra các vết thương cực kỳ nghiêm trọng.
"Khi viên đạn đi vào cơ thể qua vùng ngực rồi xuống bụng, nhiều khả năng vết thương sẽ nguy kịch. Anh có thể chết vì tổn thương ở cả ngực và bụng", Chesnut cảm thấy choáng váng khi thấy đường đi của viên đạn.
Hai bác sĩ quân y cho biết họ bất ngờ vì chỉ một số ít nạn nhân bị đạn xuyên qua người.
"Chúng tôi gắp ra rất nhiều đạn trong người bệnh nhân. Liệu có phải viên đạn đã bay xuyên qua người khác trước khi găm vào những người này? Không thể biết chắc", Chesnut băn khoăn.
Với tốc độ và phương bắn ra của đạn, nhiều người bị thương ở động mạch.
"Tôi chưa bao giờ thấy máu chảy tràn nhiều đến thế. Nhưng chúng tôi đã cứu được cậu ấy", bác sĩ Chesnut nhớ lại lúc đặt dẫn lưu màng phổi cho một thanh nhiên trẻ tuổi.
Sau 9 tiếng vật lộn, Chesnut và Compton rời bệnh viện. Nhưng ám ảnh về vụ thảm sát kinh hoàng sẽ còn theo họ mãi. Hai bác sĩ quân y lại trở về với công việc thường ngày. Thiếu tá Charles Chesnut cuối tuần này sẽ theo đội cứu hộ của lực lượng không quân tới Puerto Rico. Còn Thượng tá Jason Compton chuẩn bị được điều động ra chiến trường.
Dù làm nhiệm vụ gì, cả hai đều không mong muốn gặp lại cảnh tượng như đêm 1/10 vừa qua. Nhưng nếu hoàn cảnh bắt buộc, họ cho biết, họ đã sẵn sàng tâm thế để đối mặt.
Bác sĩ Chesnut nhớ lại giây phút phải bước ra thông báo cho chồng của một nạn nhân trong vụ xả súng rằng vợ của anh ta đã không qua khỏi do viên đạn găm quá sâu trong não.
"Mọi bác sĩ phẫu thuật đều có một nghĩa trang trong tâm trí dành cho các bệnh nhân mà họ không thể cứu sống. Và chúng tôi dùng những điều đã học được từ những bệnh nhân đã mất để chăm sóc tốt hơn cho những bệnh nhân trong tương lai", Chesnut chia sẻ.
An Hồng