Gắn bó với bệnh viện tuyến tỉnh ở Đồng Nai từ khi mới tốt nghiệp đại học, nam bác sĩ, không muốn nêu tên, vừa nộp đơn thôi việc để đầu quân về một bệnh viện tư nhân ở TP HCM. Anh là bác sĩ chuyên khoa 1.
Bác sĩ chia sẻ: "Thôi việc không chỉ vì lý do thu nhập thấp mà còn có nhiều điều khó nói trong cách quản lý, tạo cơ chế của lãnh đạo mà chỉ người trong cuộc mới hiểu".
Tại bệnh viện công, đội ngũ y bác sĩ có điều kiện tốt để phát triển chuyên môn, đặc biệt là bác sĩ trẻ. "Ở viện công lượng bệnh nhân rất đông, mặt bệnh đa dạng giúp chúng tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm lâm sàng", bác sĩ cho biết.
Tuy vậy, hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc ở bệnh viện lớn nhất nhì tỉnh Đồng Nai, lương của anh chừng 15 triệu đồng mỗi tháng. Mức thu nhập này khiến cuộc sống gia đình ở thành phố với 2 con nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.
"Tôi có nhà cửa ở đây nên cũng đỡ hơn, chứ các bác sĩ khác từ xa đến Đồng Nai công tác thì rất khó để mua nhà, xe chứ đừng nói chuyện lo cuộc sống tốt cho con ăn học". Anh tâm sự: "Các bác sĩ khoa cấp cứu công việc nhiều, áp lực nhưng thu nhập vậy là không tương xứng".
Ngoài vấn đề thu nhập, bác sĩ cho rằng bệnh viện công có một số cơ chế, cách quản lý khiến nhiều bác sĩ tâm tư. "Đơn cử bệnh viện cũ tôi làm việc, Ban giám đốc giao quá nhiều quyền lực cho lãnh đạo khoa mà không có sự kiểm soát hợp lý. Ngoài chuyện chênh lệch về thu nhập, nhiều bác sĩ cho rằng ít có điều kiện nâng cao tay nghề nên đã mạnh dạn ra đi để tìm hướng mới", nam bác sĩ cho biết thêm.
Nghỉ việc, chuyển qua làm lãnh đạo một khoa ở một bệnh viện tư nhân lớn tại TP Biên Hòa, một bác sĩ hơn 20 năm trong nghề cho biết "tâm lý công việc thoải mái hơn". "Tôi có thời gian tập trung vào chuyên môn nhiều hơn khi không còn gặp phải các vấn đề khó khăn, bon chen tại bệnh viện nhà nước", ông nói.
Một nữ bác sĩ thì chia sẻ, tình trạng thiếu hụt nhân lực ở bệnh viện công trong khi bệnh nhân quá đông khiến các bác sĩ làm việc nhiều hơn, dẫn đến khó khăn trong thu xếp thời gian đi học nâng cao chuyên môn. Nhiều bác sĩ trẻ không kiên nhẫn được cũng xin nghỉ tìm việc làm nơi khác.
Trong bối cảnh "chảy máu" bác sĩ bệnh viện công như hiện nay, 3 bệnh viện lớn của tỉnh là Đa khoa Đồng Nai, Thống Nhất và thị xã Long Khánh đã được Sở Y tế cho phép tự chủ tài chính.
Bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện thị xã Long Khánh cho biết việc tự chủ tài chính, khoán việc cho bác sĩ và bệnh viện là biện pháp phù hợp.
"Bác sĩ nhận điều trị bệnh nhân từ lúc nhập viện tới lúc xuất viện, tổng kinh phí điều trị của bệnh nhân sau khi trừ chi phí còn lại bao nhiêu thì cần có cơ chế cụ thể chia phần trăm giữa bác sĩ và bệnh viện. Như vậy, bác sĩ sẽ bám sát bệnh nhân từ đầu tới khi ra viện, có trách nhiệm với bệnh nhân hơn", ông Huyên nói.
Cũng theo ông Huyên, cơ chế khoán, lương bác sĩ tăng lên, do đó bác sĩ cũng tự động tìm hiểu nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ tiếp xúc, xây dựng thương hiệu cho mình. Từ đó góp phần thu hút nhiều bệnh nhân tới bệnh viện, thu nhập bệnh viện cũng nhiều hơn.
Đó cũng là một trong nhiều giải pháp mà Sở Y tế Đồng Nai đang triển khai để ngăn tình trạng bác sĩ công nghỉ việc. "Hiện nay bệnh viện tự chủ tài chính, khoán việc ngoài mục đích tăng thu nhập cho bác sĩ còn điều hướng đến người bệnh, mang đến những lợi ích thiết thực cho người bệnh", bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Theo báo cáo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trong năm 2018 có 97 bác sĩ nghỉ việc. Trong đó có 20 bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, 32 bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, 8 bác sĩ Bệnh viện Nhi. Một năm trước đó, số bác sĩ nghỉ việc cũng tương đương, rất nhiều người trong số đó có trình độ sau đại học. Hai tháng đầu năm nay đã có 19 bác sĩ nghỉ việc.
Phước Tuấn