Hồi đầu tháng 3, người phụ nữ 53 tuổi, họ Chen, bị ngừng tim tại Sân bay Quốc tế Thiên Hà Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, khi đang chờ bay cùng chồng và con gái. May mắn, khi bà vừa ngã quỵ, tiếng hét của những người xung quanh đã đánh động đến Eduard Quintana, một bác sĩ phẫu thuật tim mạch đang trên đường trở về Tây Ban Nha.
Ông ngay lập tức lao đến và thực hiện hô hấp nhân tạo, hồi sức tim phổi (CPR) cho nạn nhân, khiến tim bà đập trở lại trước khi đội ngũ y tế kịp đến. Để làm CPR, bác sĩ Quintana đặt nạn nhân nằm ngửa trên bề mặt vững chắc, quỳ bên cạnh cổ và vai người đó. Tiếp theo, đặt dòng bàn tay lên giữa ngực nạn nhân, giữ khuỷu tay vuông góc với cơ thể nạn nhân, đồng thời đẩy thẳng. Ông sử dụng toàn bộ trọng lượng cơ thể, không chỉ cánh tay, để ép xuống khi thực hiện động tác này. Tốc độ ép tim là khoảng 100 đến 120 lần một phút. Ông đã được truyền thông Trung Quốc ca ngợi là "người anh hùng".
Tại bệnh viện, bà Chen được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, một căn bệnh phát triển khi thành tâm thất trái và phải dày lên, khiến tim không thể nhận và bơm đủ máu. Bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật tim hở.
Truyền thông địa phương tiết lộ bác sĩ Quintana sang Bệnh viện Tongji Vũ Hán, phối hợp với nhóm làm việc do giáo sư Wei Xiang đứng đầu, đào tạo về phương pháp phẫu thuật cắt bỏ cơ tim đập xuyên đỉnh, phương pháp ít xâm lấn nhắm vào chính vấn đề của bà Chen.
Sau đó, bệnh nhân liên lạc với bác sĩ Wei, đề nghị được phẫu thuật, hôm 11/3. Ca mổ mở diễn ra trong nhiều giờ, phần cơ tim phì đại của bà được cắt bỏ. Hiện, người bệnh đã hồi phục. Bác sĩ Quintana, người cứu sống bà, cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất. Bà Chen gọi mọi chuyện xảy ra là "định mệnh".
Trung Quốc đã thúc đẩy đào tạo hồi sức tim phổi (CPR) trong công chúng những năm gần đây, vì chưa đến 1% người dân biết cách thực hiện quy trình cứu sống đơn giản nhưng hiệu quả này. Tỷ lệ thành công của CPR trong việc cứu sống những người đau tim ngoài bệnh viện ở đại lục ở dưới 1%, so với 10% ở các nước phát triển.
Thục Linh (Theo Sohu)