Một chiếc xe tang lẻ loi từ từ di chuyển trong buổi chiều ảm đạm. Đám táng đơn giản không tiếng người thân khóc lóc, không tiếng kèn, tiếng trống... cho một bệnh nhân HIV. Những bệnh nhân khác xếp hàng nhìn nhau, trong mắt họ thể hiện sự cô đơn vì số phận tương lai của họ cũng sẽ như thế. Đã chứng kiến bao nhiêu người ra đi trong cô đơn, song những hình ảnh về đám tang lặng lẽ kia vẫn khiến thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 09 Hà Nội thấy chạnh lòng cho đến tận bây giờ.
Khi được đưa vào viện, bệnh nhân nhất định không nói địa chỉ gia đình, ngay cả tên cũng khai sai. Dù nằm viện điều trị song họ lại không hợp tác, muốn tìm đến cái chết. Nhờ bác sĩ động viên, người bệnh hợp tác thì lại không thể cứu được vì bệnh quá nặng.
"Khi bệnh nhân yếu và có dấu hiệu khó qua khỏi, chúng tôi hỏi lần nữa thông tin về gia đình để báo với mong muốn cho gặp người thân lần cuối nhưng bệnh nhân lắc đầu từ chối và đôi mắt dần khép lại. Nhìn 2 dòng nước mắt họ chảy khi vĩnh biệt cuộc đời, chúng tôi thấy day dứt, không hiểu bệnh nhân không muốn gặp hay bị gia đình chối bỏ", bác sĩ Hưng kể lại.
20 năm gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS, vị bác sĩ ấy thấu hiểu hơn ai hết sự cô đơn của người bệnh. Có những người sắp chết gọi về cho gia đình nhưng bố mẹ không đến thăm mà bảo “để khi nào nó chết hãy gọi”. Theo bác sĩ Hưng, điều này cũng dễ cảm thông vì gia đình họ đã quá mệt mỏi, đau khổ, kiệt quệ cả kinh tế lẫn sức chịu đựng khi có con nghiện ma túy. Có những gia đình 3 con thì cả 3 đều chết do ma túy -HIV; có gia đình thì chết 3 trên tổng số 4 người…
Bệnh nhân HIV hầu hết dính đến ma túy, mại dâm. Ở họ có những đặc điểm tính cách tùy tiện, thậm chí hung hãn và không hợp tác với thầy thuốc cũng như không tuân thủ điều trị. Hơn một năm trước có một bệnh nhân nữ mắc AIDS giai đoạn cuối vào viện. Bệnh nhân đòi ma túy nhưng không được đáp ứng nên lúc y tá đến người này đã giật xi lanh tự hút máu ở cơ thể mình và phun khắp xung quanh, dọa để tạo áp lực đòi ma túy. Bác sĩ Hưng khuyên nhủ bệnh nhân thì bị dọa đâm xi lanh vào người. Phải mất rất lâu cuối cùng bệnh nhân mới chịu về phòng.
Làm việc trong môi trường này, người thầy thuốc cũng giống như những chiến sĩ trên chiến trường thầm lặng chiến đấu với virus, với những suy nghĩ và sự kỳ thị của xã hội, của cộng đồng. Những người bệnh đặc biệt như thế nên ở cơ sở này không thể có chuyện bệnh nhân hay người nhà đưa phong bì cho bác sĩ. Bệnh nhân được đưa vào viện đã ở trong tình trạng thân tàn danh liệt; quá trình sử dụng ma túy làm kiệt quệ kinh tế của gia đình nên người nhà mệt mỏi không còn sức để quan tâm.
"Bệnh nhân vào viện đã quá khó khăn nếu có đưa phong bì chúng tôi cũng không nhận, không ít y bác sĩ còn mua thuốc cho bệnh nhân vì họ không có người thân thiết. Ai cũng ý thức được việc nên bao bọc cho người bệnh dù thực tế cuộc sống của nhiều người vẫn khó khăn", bác sĩ Hưng cho biết.
Theo bác sĩ Hưng, những thầy thuốc làm ở Bệnh viện 09 chỉ có lương, trợ cấp khó khăn, độc hại, không có thu nhập tăng thêm. Xã hội kỳ thị không chỉ với bệnh nhân mà ngay cả với bác sĩ điều trị cho bệnh nhân HIV. Những hàng ăn bên ngoài bệnh viện nếu biết bác sĩ ở viện ra ăn cũng ngại bán. Có nhiều cô gái khi về nhà chồng giấu thông tin làm việc ở đây; nếu không sẽ bị coi thường. Những khó khăn này khiến một số cán bộ có tư tưởng không yên tâm công tác, muốn chuyển nghề.
"Có nhiều cơ hội công việc tốt hơn với thu nhập cao hơn, môi trường tốt hơn, vị trí cao hơn nhưng cứ khi nào có ý định chuyển tôi lại không đi được. Một phần vì gia đình động viên, phần như có điều gì đó cứ níu kéo. Bệnh nhân và đồng nghiệp ở đây vẫn rất cần mình", bác sĩ Hưng tâm sự.
Ông hy vọng Nhà nước có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho người thầy thuốc, có thể quy định cho những nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực này được về hưu sớm hoặc chuyển công tác sau thời gian nhất định.
Nam Phương