Đây là phương pháp mổ chưa được ghi nhận trong y văn, mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhi, giúp giải quyết triệt để tình trạng hẹp tắc tĩnh mạch lách.
Bé trai này từ hai tuổi đã thường xuyên bị nôn ói, cảm giác đau khi chạm vào bụng. Bác sĩ khi ấy xác định lá lách của bé to 10 cm, tăng áp tĩnh mạch cửa nhưng vẫn có thể điều trị bảo tồn. Khoảng 6 tháng sau, nửa bụng dưới của bé căng cứng, siêu âm phát hiện lá lách bé phình đến 14 cm, nhiều mạch máu giãn to dọc theo bờ cong dạ dày.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng Khoa Siêu âm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết nếu không kịp thời phẫu thuật, những mạch máu giãn sẽ diễn tiến vỡ gây nôn ói, đại tiện ra máu. Lá lách sưng to cũng dễ bị vỡ khi bé chạy nhảy, va chạm.
Bác sĩ Chí đề xuất giải pháp phẫu thuật làm một chiếc "cầu vượt" bắc qua vị trí đoạn mạch máu bị hẹp, vừa giúp thông máu vừa đảm bảo máu vẫn qua gan.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết sau khi hội chẩn, bệnh viện nhận thấy đây là giải pháp hợp lý. Bé trai bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa khu trú do hẹp tắc tĩnh mạch lách. Các bác sĩ thường xử lý bằng cách cắt bỏ đoạn mạch máu bị hẹp và thay vào bằng một đoạn mạch máu khác. Điểm hạn chế của cách này là máu từ lá lách không được đến gan để lọc chất độc nên chỉ giúp giải quyết tạm thời, bệnh nhi sau đó vẫn thường ói ra máu.
Với sáng kiến giải pháp mới, bác sĩ lấy một mạch máu ở vùng cổ bé dài khoảng 10 cm, bắc cầu từ trước chỗ tắc đến một tĩnh mạch khác giúp máu lưu thông tốt. Sau phẫu thuật 48 giờ, lá lách của bé đã xẹp từ 14 cm còn 10 cm và khi xuất viện còn 9 cm. Bụng bé trai cũng nhanh chóng xẹp, lượng máu được dẫn lưu qua "cầu vượt" mạch máu rất tốt, máu được về lá gan để lọc như bình thường.