Qua thăm hỏi, bác sĩ Nguyễn Việt Anh, Khoa Xạ lồng ngực, Bệnh viện K, cảm nhận người bệnh và gia đình vẫn nuôi hy vọng khỏi bệnh. Trong khi các kết quả khám, chụp chiếu và xét nghiệm cho thấy anh đang ở giai đoạn cuối, tiên lượng sống dè dặt, phương án trả về địa phương chăm sóc giảm nhẹ. Điều này khiến bác sĩ Việt Anh giằng xé, không biết có nên nói sự thật rằng "họ sắp chết" hay tiếp tục cho bệnh nhân ở lại điều trị dù không hiệu quả.
Cuối cùng, bác sĩ chọn thông báo với người vợ ở một căn phòng khác, trong đó giải thích cặn kẽ tình trạng của người chồng và lý do vì sao cần chăm sóc giảm nhẹ chứ không tiếp tục hóa, xạ trị. Sau đó, anh về phòng bệnh nhân, nói: "Bệnh của anh cần về nhà để bồi bổ tối đa, nâng cao thể trạng giúp sức khỏe ổn định, tiếp tục quay lại điều trị".
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện K, cũng bị đè nặng bởi những bệnh nhân ung thư tuổi đời còn rất trẻ, khát khao sống mãnh liệt. Do diễn biến tâm lý của nhóm này phức tạp, không dễ chấp nhận sự thật như người ở độ tuổi 80,90, nên các bác sĩ rất khó khăn khi thông báo với họ tin xấu.
"Breaking bad news"- một thuật ngữ trong tiếng Anh nghĩa là "thông báo tin xấu", đóng vai trò quan trọng trong y học thế giới, đến mức có hàng trăm bài báo học thuật, hàng chục công trình nghiên cứu về chủ đề này, theo Stewart Dunn, giáo sư Y học Tâm lý tại Trường Y Sydney thuộc Bệnh viện Royal North Shore. Các chuyên gia nhận định, nói với ai đó rằng họ sắp chết là một trong những điều khó khăn nhất mà bác sĩ hoặc y tá có thể làm. Đây là khía cạnh đầy cảm xúc, khiến nhiều nhân viên y tế, kể cả bác sĩ giàu kinh nghiệm lo lắng.
Một nghiên cứu cho thấy hành động báo tin xấu có thể khiến nhịp tim của bác sĩ tăng gấp đôi, lên 168 trong khi nhịp tim mức bình thường là khoảng 70. Công trình này cũng ước tính một bác sĩ ung thư sẽ thông báo khoảng 20.000 tin xấu trong sự nghiệp. Phản ứng của bệnh nhân và gia đình có thể chuyển từ buồn bã, khóc lóc tột độ, sốc đến hoài nghi, tức giận. Một số bác sĩ kể về việc người bệnh hoặc thân nhân sẽ đấm, lao đầu vào tường, bỏ đi hoặc la mắng, đe dọa người đối diện trong những tình huống nghiêm trọng.
Ở nhiều quốc gia, một số bác sĩ vẫn chọn giấu người bệnh, với ý tưởng rằng gia đình, chứ không phải bệnh nhân, nên gánh chịu cú sốc này. Tin dữ mắc ung thư hoặc tiên lượng sống ngắn ngủi có thể khiến người bệnh suy sụp, chán nản, cản trở thêm quá trình hồi phục hoặc khả năng sống sót của họ. Thực tế, nhiều bằng chứng cho thấy trầm cảm nặng và căng thẳng mãn tính ở bệnh nhân ung thư ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
Mặt khác, thông báo "không thể chữa trị" cũng tương tự việc thừa nhận thất bại của bác sĩ, trong khi y học ngày càng tiến bộ với các phương pháp điều trị đột phá. Công nghệ y tế tập trung vào việc "thách thức cái chết" bằng bất cứ giá nào, từ đó gieo vào bệnh nhân và người nhà nhiều hy vọng rằng họ có thể được cứu chữa dù bệnh nặng đến đâu. Điều này phần nào tạo nên tâm lý giằng xé cho bác sĩ khi "dội bom tấn" vào cảm xúc của người bệnh.
Do đó, một phần quan trọng trong công việc của bác sĩ Việt Anh, cũng như nhân viên y tế Bệnh viện K - tuyến cuối chữa ung thư ở miền Bắc - là học cách báo tin xấu cho bệnh nhân, đặc biệt với người giai đoạn cuối, cần đưa về gia đình và bệnh viện địa phương chăm sóc giảm nhẹ. Việc chăm sóc này gồm hai phần là điều trị giảm đau và chăm sóc tâm lý.
Với trường hợp hiểu bệnh, đã chuẩn bị tâm lý, bác sĩ Việt Anh chọn thông báo cho cả bệnh nhân và người nhà cùng lúc. Theo đó, chuyên gia giải thích vì sao liệu pháp thuốc, hóa xạ trị không hiệu quả trong khi chăm sóc giảm nhẹ sẽ nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian sống.
Còn ở người có tâm lý hy vọng, bác sĩ sẽ nói chuyện riêng với người nhà trước, sau đó lựa bối cảnh để thông báo cho bệnh nhân. Dù trong bất cứ tình huống nào, Việt Anh không chọn cách nói "ông/bà/anh/chị bị trả về, tiên lượng sống chỉ còn vài tháng". Một số câu thông báo được anh áp dụng để người nghe dễ chấp nhận hơn, như: "Bệnh của bác giờ cần về bồi bổ tối đa để có thể ổn định quay lại điều trị".
Một số người nhạy cảm, có thể hiểu được ý nghĩa của từ "chăm sóc giảm nhẹ". Họ sẽ đặt câu hỏi "tôi còn sống được bao lâu", mong muốn bác sĩ nói sự thật. Trong tình huống này, bác sĩ Việt Anh không đưa con số tiên lượng vì điều này không chính xác. Anh sẽ đề cập đến kịch bản tốt nhất và kịch bản xấu nhất. Chẳng hạn, người phụ nữ 42 tuổi, hỏi: "Liệu tôi có thể sống đến lúc chứng kiến con gái vào đại học hoặc lập gia đình không?". "Có thể, nhưng chắc chắn chị sẽ sống để chứng kiến những cột mốc quan trọng khác của con và người thân trong gia đình", Việt Anh nói.
Từ kinh nghiệm nghề nghiệp, anh hiểu những tin tức lạc quan sẽ đem lại cảm xúc tích cực cho người bệnh, giúp họ sống trọn vẹn những ngày cuối đời, có thể hoàn thành những mong muốn dang dở.
Khoa Xạ lồng ngực có 8-10 bác sĩ, hiện điều trị 300-500 bệnh nhân, chủ yếu là các mặt bệnh ung thư trong lồng ngực, trong đó ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Trung bình mỗi bác sĩ khám và điều trị cho 30-50 bệnh nhân mỗi ngày. Hầu hết họ đều cảm nhận việc báo tin dữ tác động sâu sắc đến tinh thần người bệnh, trong khi do bận rộn, bác sĩ chỉ có vài phút để thực hiện điều này.
"Tuy nhiên, mối liên hệ giữa con người với nhau thực sự quan trọng. Đôi khi, thuốc không thể giúp ích nhiều, nhưng sự lắng nghe, đồng cảm và chân thành của bác sĩ có thể tạo nên sự khác biệt", Việt Anh nói, thêm rằng đây là lý do mỗi ngày anh luôn chú tâm vào các cuộc trò chuyện với bệnh nhân, học về tâm lý của người bệnh, từ đó tìm ra cách truyền thông nhẹ nhàng và hiệu quả nhất.
Ước tính hơn 300.000 người Việt đang sống chung với bệnh ung thư. Số bệnh nhân có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2018 ghi nhận 165.000 ca mới, năm 2020 con số này là 182.000, số tử vong 122.690. Ba loại ung thư thường gặp ở Việt Nam là phổi, gan, dạ dày, đều là bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, các tiến bộ y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại ung thư, tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời.
Thúy Quỳnh