Ông Bùi Doãn Thịnh ở quận 2, TP HCM, phản ánh với VnExpress.net, vợ ông là bà Lê Thị Phụng Duy, 58 tuổi, đến Bệnh viện Bình Dân khám vì chứng đầy bụng kéo dài. Người nhận bệnh là bác sĩ Trần Minh Đức. Bà Phụng yêu cầu nội soi đại tràng bằng gây mê và được ông Đức lên lịch nội soi.
Hình ảnh viên nang nội soi được dán trước phòng nhận bệnh nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân. "Viên thuốc" 14 triệu đồng thực ra là một camera thu nhỏ, khi uống vào, thiết bị này sẽ chụp ảnh các bệnh lý và hiển thị qua thiết bị bên ngoài. Do giá thiết bị cao nên bác sĩ chỉ dùng với những bệnh nhân không phát hiện được bệnh ở nội soi thường. Ảnh: Cao Lâm. |
Sáng 10/8, tại khoa Nội tiêu hóa, bà Duy được bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn làm thủ thuật. Sau khi xong nội soi, bác sĩ Tuấn cho biết "chỉ soi được 7 tấc vì bên trong bị viêm hầu hết, còn đến 7 mét ruột chưa thể nội soi". Ông Tuấn đề nghị nếu muốn kiểm tra toàn bộ đường ruột, bệnh nhân có thể mua một loại thiết bị là viên nang nội soi giá 14 triệu đồng.
“Lo cho vợ, tôi không đắn đo mà về nhà lấy tiền thêm để mua viên nang. Khi quay lại bệnh viện, bác sĩ nội soi nhờ một điều dưỡng đưa tôi và bà xã đến gặp nhân viên của công ty bán viên nang đang đứng chờ sẵn trong khuôn viên bệnh viện”, ông Thịnh kể.
Một ngày sau khi gắn thiết bị và uống viên nang nội soi, vợ ông Thịnh quay trở lại bệnh viện, với dự định sẽ nhận kết quả từ bác sĩ Tuấn rồi quay trở lại bác sĩ Đức (người khám đầu tiên cho bà Duy) để được hướng dẫn điều trị và kê toa thuốc. Tuy nhiên bác sĩ Tuấn trả kết luận "dạ dày viêm đỏ" rồi kê luôn toa thuốc và không hẹn tái khám.
Khẳng định không ai ép mình mua, cũng không bàn đến giá của "viên thuốc" cao hay thấp, tuy nhiên theo ông Thịnh, cách giới thiệu mua thiết bị và tự kê toa của bác sĩ nội soi như ông Tuấn không khỏi khiến thắc mắc nghi ngờ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, kỹ thuật nội soi chẩn đoán bằng viên nang được áp dụng tại Việt Nam từ 3 năm nay. Viên nang thực chất như là một camera. Khi bệnh nhân uống vào, camera chụp ảnh đường tiêu hóa nơi nó đi qua. Thiết bị này có thể tìm bệnh lý mà phương pháp các nội soi thông thường đã không thể tìm được.
“Tuy nhiên do giá thành của viên nang rất cao nên các bác sĩ trước khi thực hiện phải tư vấn cho bệnh nhân”, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cho biết.
Bệnh nhân chờ trước khoa Nội soi tiêu hóa. Ảnh: Cao Lâm. |
Theo quy trình và chức năng các bác sĩ khám và kê toa tại bệnh viện, một bác sĩ nguyên giám đốc bệnh viện tại TP HCM cho biết, bác sĩ nội soi sau khi thủ thuật thì phải trả kết quả cho người bệnh để họ mang lại bác sĩ khám xem, tư vấn, quyết định hướng điều trị. Trường hợp nếu dùng phương pháp nội soi thì chính bác sĩ nhận bệnh chỉ định. Việc bác sĩ nội soi tự ý giới thiệu bệnh nhân mua thiết bị hoặc tự ý kê toa thuốc là không đúng.
Chiều nay trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết hiện đã ký quyết định tạm ngưng công tác của bác sĩ Tuấn để bác sĩ này tường trình và làm rõ sự việc.
Theo ông Hùng, chưa thể khẳng định phản ánh của người bệnh khi chưa có tường trình từ phía bác sĩ Tuấn. Tuy nhiên "nếu có việc giới thiệu bệnh nhân mua viên nang nội soi không phải là sản phẩm của bệnh viện thì bác sĩ Tuấn đã sai".
Riêng việc bác sĩ Tuấn tự kê toa cho bệnh nhân, bác sĩ Hùng cho rằng không hoàn toàn sai, nhưng theo quy trình thì nên thông qua bác sĩ nhận bệnh.
Cao Lâm