Là một bác sĩ lâm sàng tại khoa cấp cứu Đại học Công giáo Hàn Quốc Yeouido St. Mary's, anh không được điều động đến vùng dịch. Anh tự yêu cầu bệnh viện điều chỉnh lịch làm việc để tình nguyện tới Daegu. Sau khi được chấp thuận, anh lặng lẽ đóng gói vali và lên đường.
Đây là lần thứ ba Key đứng trên tuyến đầu chống dịch. Anh từng là bác sĩ công năm 2009, khi cúm lợn (H1N1) bùng phát. Bệnh lây lan tới 200 triệu người, gây ra hơn 500.000 ca tử vong. Đến năm 2015, bác sĩ Key tình nguyện điều trị cho các bệnh nhân mắc Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) tại Phòng cấp cứu Bệnh viện Gangnam Severance.
Cuối tháng 2, biết tin Daegu thiếu bác sĩ, anh tình nguyện tới làm việc. Anh tự bỏ tiền túi để mua vật tư y tế, bao gồm quần áo bảo hộ và khẩu trang. Ngày 3/3, anh bắt đầu khám bệnh tại phòng cách ly dành cho bệnh nhân ngoại trú ở Trung tâm Y tế Dongsan, Đại học Keimyung.
"Vì đã trải qua dịch cúm lợn và MERS, tôi nghĩ mình có thể làm một điều gì cho Daegu", bác sĩ Key chia sẻ. "Đó là lý do tôi đến đây. Kể từ khi bỏ vị trí bác sĩ nội trú khoa da liễu và chọn khoa cấp cứu, tôi đã luôn muốn làm việc cho Bác sĩ Không biên giới (MSF) hoặc khám bệnh ở những vùng chịu thiên tai. Giờ đây, Daegu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, bên cạnh Vũ Hán, Trung Quốc".
MSF là tổ chức phi chính phủ chuyên cứu trợ y tế trong trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, chiến tranh.
Cha mẹ Key không hài lòng với quyết định này, nhưng cũng không ngăn cấm. Tử khi anh quyết làm bác sĩ khoa cấp cứu, cha mẹ để anh tự làm điều mình muốn.
Tới Daegu, ký ức về dịch cúm lợn năm 2009 và MERS năm 2015 ùa về.
"Tình hình hiện tại tương tự cúm lợn trước khi có thuốc Tamiflu. Mọi người đều hoảng loạn và chi phí xã hội rất lớn. Những ngày này, tôi nghĩ nhiều về thời gian đó", anh nói.
Năm ấy, sau khi Trung tâm Y tế Samsung ngừng hoạt động vì xử lý kém dịch MERS, Key tiếp nhận các bệnh nhân nguy kịch được chuyển tới khu vực anh phụ trách. Một người nghi nhiễm có hành động bạo lực đã khiến một giáo sư cùng hai bác sĩ nội trú khác phải cách ly. Vụ việc khiến phòng cấp cứu thiếu hụt nhân lực, bác sĩ Key trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn.
Một bệnh nhân ngất xỉu tại phòng cấp cứu, Key không biết người này có từng đến Trung tâm Y tế Samsung, nơi đã để dịch bệnh lây lan hay không. Mặc trên người trang phục bảo hộ cấp D (cấp thấp nhất), anh tiếp xúc với người nhiễm MERS trong vòng ba giờ liền để đặt nội khí quản và thực hiện các thủ thuật cần thiết đến khi họ dần ổn định.
"Tôi đã mặc quần áo cấp D một nghìn lần. Không thể nói rằng tôi hoàn toàn chẳng lo lắng. Nhưng miễn có đồ bảo hộ, tôi không có nguy cơ nhiễm bệnh", anh nói.
Ngày đầu làm bác sĩ tình nguyện ở Daegu, Key thu thập các mẫu bệnh phẩm của những ca nghi nhiễm và thăm khám tại khu cách ly từ 1 giờ chiều đến 4 giờ chiều. Trung tâm Y tế Dongsan đông bệnh nhân hơn rất nhiều so với Seoul. Cơ sở này vẫn chịu tình cảnh thiếu nguồn lực.
Nhu cầu xét nghiệm tăng cao đè nặng lên vai các nhân viên y tế.
"Vì vậy không chỉ các bác sĩ từ khoa cấp cứu mà những bộ phận khác cũng ra tay giúp đỡ", Key nói thêm.
Anh nhận định làm việc quá 2 tiếng mà chỉ đeo khẩu trang N95 và mặc đồ bảo hộ cấp D là một thách thức lớn đối với các y tá. Một người trong số đó đã bị ốm sau ca trực kéo dài ở khu cách ly.
Ba lần chống đại dịch, bác sĩ Key tương đối bình tĩnh với tình hình hiện tại.
"Khi nhìn thấy bệnh nhân, tất cả bác sĩ cần chấp nhận rủi ro có thể phải đóng cửa trung tâm y tế của mình nếu phát hiện ca dương tính. Tôi mong mọi người đều khoẻ mạnh và kiên cường. Nếu đoàn kết, giới y tế có thể vượt qua thời điểm khó khăn, như cách mà chúng ta từng chiến thắng cúm lợn và MERS", anh nói.
Thục Linh (Theo Korea Biomedical Review)