Đây là một trong những ca bệnh đặc biệt được hội chẩn chiều 28/8, nhân khai trương Trung tâm khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương. Bác sĩ 5 điểm cầu tham gia hội chẩn gồm các bệnh viện ở Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Bình, Lai Châu và Ninh Bình.
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, đau hàm trái. Ba tháng trước bệnh nhân xuất hiện khối u, gần đây to nhanh, đau nhức. Bệnh nhân suy kiệt nặng, thiếu máu do thiếu sắt. Các bác sĩ tuyến tỉnh chẩn đoán ung thư tuyến nước bọt, cần truyền máu bổ sung sắt, dự định phẫu thuật cắt u, nạo vét hạch.
Phó giáo sư Lê Ngọc Tuyến, Trưởng khoa Phục hình hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, đánh giá đây là trường hợp rất khó. Khác với ung thư khoang miệng có lộ trình rất rõ, với ung thư tuyến, đòi hỏi phải xét nghiệm chính xác mới đưa đến quyết định điều trị chính xác, không thể làm thừa, làm thiếu.
"Tuyến dưới đã chọc hút tế bào rất chuẩn nhưng chưa xác định được thể ung thư. Ung thư tuyến có nhiều dạng, tuyến nang hay nhầy bì... Mỗi thể có một cách can thiệp khác nhau", bác sĩ Tuyến nói.
Với bệnh nhân này, có thể chọc hút tế bào kim nhỏ để xác định ung thư. Nếu không được, có thể phẫu thuật nhưng phải sinh thiết tức thì để xác định tên bệnh và biểu hiện sinh học của nó, sau đó đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể.
Theo bác sĩ Tuyến, nếu khối u có hạch cần cắt toàn bộ khối u, nạo vét hạch, sau mổ làm toàn bộ giải phẫu bệnh ở tất cả vị trí. Nếu ung thư tuyến nang, phải xạ trị sau phẫu thuật. Trường hợp khối u là ung thư khác, có hạch di căn dương tính, xâm lấn dây thần kinh, hệ bạch huyết... thì cũng cần xạ trị sau phẫu thuật.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Văn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, băn khoăn vấn đề bệnh nhân thiếu máu nặng. Vì vậy, phải nâng cao thể trạng truyền bổ sung máu cho bệnh nhân, khi chỉ số HgB (hemoglobin) trên 9 g/dl mới có thể phẫu thuật được.
Các chuyên gia, bác sĩ ở các đầu cầu cũng thống nhất bệnh nhân cần nâng cao thể trạng, truyền máu và làm thêm các xét nghiệm, chẩn đoán cần thiết trước khi phẫu thuật khối u.
Ông Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho biết việc triển khai khám chữa bệnh từ xa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới. Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến trung ương.
"Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới", ông Bính nói.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết răng hàm mặt là chuyên ngành quan trọng, hỗ trợ về phát âm, nhai, thẩm mỹ... Việt Nam có hơn 10 triệu người cao tuổi, sức khoẻ răng miệng của họ là một vấn đề lớn.
Đề án Khám, chữa bệnh từ xa đã được ban hành ngày 22/6. Hai mục tiêu căn bản là tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục; và mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên.
Khi triển khai đề án này, các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Dịch vụ góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Thời gian gần đây các bệnh viện liên tục tổ chức khám chữa bệnh từ xa như Bạch Mai, Nhi trung ương, Nội tiết Trung ương... Dự kiến 1.000 điểm cầu trong cả nước thực hiện khám chữa bệnh từ xa.