Bác sĩ Vũ Thy Cầm, 52 tuổi, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần, lập tức sang Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân mang thai 7 tháng, trước đó uống thuốc tự tử, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi tỉnh lại, cô định nhảy lầu. "Bệnh nhân rất kích động", kíp trực Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nói, yêu cầu hỗ trợ từ đội ngũ chuyên khoa tâm thần.
Nhóm bác sĩ đánh giá "bệnh nhân có hành vi tự sát mãnh liệt". Tình trạng ngộ độc do uống thuốc tự tử không ảnh hưởng nhiều tính mạng bệnh nhân, vấn đề cần giải quyết là sức khỏe tinh thần. Được các bác sĩ khuyên giải, thai phụ bình tĩnh hơn, chia sẻ mệt mỏi căng thẳng khi mang bầu nhưng chồng không quan tâm, thường xuyên mắng chửi.
Cuộc trò chuyện gián đoạn khi người chồng xuất hiện, bệnh nhân lên cơn kích động tiếp tục nhào ra cửa định nhảy lầu. Bác sĩ Cầm cho biết khi ấy ê kíp phải phối hợp ngăn bệnh nhân không thực hiện hành vi nguy hiểm, đồng thời khuyên người chồng tránh mặt.
"Đây là một ca thực sự khó", bác sĩ nói, thêm rằng bệnh nhân tâm thần kích động thường được sử dụng thuốc an thần đường tiêm kết hợp liệu pháp vật lý và tâm lý. Nhưng bệnh nhân này đang mang thai, việc sử dụng thuốc phải được cân nhắc kỹ càng để không ảnh hưởng em bé trong bụng mẹ.
Vài ngày sau, bệnh nhân may mắn trấn tĩnh, được gia đình xin ra viện. Bác sĩ hướng dẫn người chồng chăm sóc nâng đỡ tinh thần cho vợ, nếu có dấu hiệu bất thường cần nhập viện sớm.
Thai phụ trên là một trong hàng nghìn bệnh nhân được bác sĩ Cầm điều trị ổn định, trong gần 30 làm nghề chữa lành cho người tâm thần. Ban đầu, nữ bác sĩ đến với nghề tâm thần là do "dễ xin việc hơn các chuyên ngành khác". Tuy nhiên, sau một thời gian gắn bó, chị nhận ra đây là định mệnh cuộc đời.
Bác sĩ tâm thần là chuyên gia chẩn đoán, điều trị các rối loạn tâm thần. Bác sĩ ngành này được đào tạo tổng quát trong 6 năm tại đại học y khoa, sau đó đào sâu thêm kiến thức và lâm sàng ở trình độ sau đại học.
Năm 1994, tốt nghiệp đại học, chị Cầm về công tác tại bệnh viện chuyên khoa tâm thần tuyến tỉnh. Đồng cảm với cảnh ngộ với bệnh nhân bởi họ rất nghèo, là nhóm yếu thế trong xã hội, chị càng mong có nghề nghiệp vững vàng để giúp người bệnh tốt nhất. Giữa năm 2009, chị chuyển công tác về Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân tâm thần là nhóm đặc biệt, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi, cũng không nhận thức mình bị bệnh, nên việc tiếp xúc với người bệnh gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, ở các chuyên khoa khác, có thể dùng xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán; nhưng ở ngành tâm thần, chỉ có thể xác định bệnh dựa kiến thức và kỹ năng người khám. Mỗi ca bệnh có những đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh riêng. Do đó, bác sĩ phải là người biết lắng nghe, thấu hiểu tâm lý mới có thể điều trị hiệu quả.
Bác sĩ tâm thần thường xuyên bị bệnh nhân chửi rủa, tấn công. Bác sĩ Cầm nhớ một nữ sinh viên 20 tuổi, bị mất ngủ triền miên, hành vi tác phong rối loạn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng loạn thần nặng, thường xuyên gặp ảo giác, nghe có tiếng nói lạ trong đầu, hoảng sợ. Ngày nhập viện, người bệnh cởi bỏ quần áo, chửi bới, tấn công nhân viên y tế. Điều trị gần một tuần, bác sĩ mới có thể tương tác được với bệnh nhân. Sau một tháng, bệnh thuyên giảm, cô gái xuất viện, vừa uống thuốc vừa tiếp tục đi học.
Nhiều ca bệnh bác sĩ Cầm phải theo dấu nhiều năm, đặc biệt trong mỗi bước ngoặt của cuộc đời, như giai đoạn ra trường, xin việc, lập gia đình, có con - là thời điểm khiến bệnh có thể tái phát.
Như chị Mai, 31 tuổi, ở Bắc Giang, từng thoát cửa tử nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ Cầm. Trước khi lập gia đình, chị Mai có dấu hiệu trầm cảm, đã được điều trị. Sau sinh, căn bệnh tái phát, chị có ý định tự sát. May mắn, khi chị Mai đang cố dùng ống tay áo làm dây treo cổ, bác sĩ Cầm phát hiện, khuyên giải và đưa người phụ nữ trở lại buồng bệnh. "Nếu không có bác sĩ Cầm, tôi không thể hình dung giờ này hai con sẽ có cuộc sống thế nào khi thiếu vắng mẹ", chị nói.
Những năm gần đây, lượng bệnh nhân tâm thần nhập viện có xu hướng tăng. Trung bình mỗi ngày Viện Sức khỏe Tâm Thần Bạch Mai tiếp nhận hơn 300-400 lượt đến khám, hơn 200 giường điều trị nội trú luôn kín chỗ.
Cuối năm ngoái, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết gần 15 triệu người Việt Nam đang mắc các bệnh rối loạn tâm thần; nhiều nhất là trầm cảm, lo âu. Trong đó, tỷ lệ tâm thần phân liệt (dân gian gọi bệnh điên) chiếm 0,47%; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao với khoảng 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Tâm bệnh là vấn đề nhạy cảm, bị phân biệt đối xử. Nhiều bệnh nhân tâm thần bị xa lánh, nhốt ở nhà hoặc ở dài hạn trong các cơ sở chuyên biệt. Hầu hết người bệnh có nhận thức tiêu cực về việc điều trị, không dám nói với đồng nghiệp hay gia đình bản thân đang mắc bệnh, vì lo sợ bị đánh giá. Chẳng hạn, nhiều học sinh, sinh viên đến bệnh viện khám trong tình trạng loạn thần, hoặc có hành vi tự hại bản thân, nhưng không muốn cho mọi người xung quanh biết, thậm chí giấu bố mẹ.
"Người tâm thần vẫn chịu sự kỳ thị của cộng đồng", bác sĩ Cầm nói, thêm rằng hiện có nhiều phương pháp chữa bệnh tâm thần hiệu quả như hóa dược trị liệu, liệu pháp tâm lý, điều biến não... nên cơ hội khỏi bệnh cao.
Số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm tăng khoảng 25%, kéo theo số ca tự tử tăng. Nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả. Chỉ 29% số người bị rối loạn tâm thần và 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần. "Đây là hậu quả trực tiếp của tình trạng đầu tư dưới mức cơ bản, trong đó, ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần rất thấp", Thứ trưởng Thuấn cho hay.
Thực trạng này khiến nhiều bác sĩ tâm thần như bác sĩ Cầm lo lắng, khi nhiều bệnh nhân đang bị bỏ lại ở phía sau. "Tôi mong muốn có nhiều thuốc hướng thần mới hơn, giá thành rẻ hơn, bệnh nhân tâm thần được tiếp cận y tế sớm để nhận được điều trị chăm sóc toàn diện", bác sĩ nói, cho biết thêm mỗi người bệnh tái hòa nhập cuộc sống là niềm hạnh phúc khiến chị trụ lại với nghề.
Thúy Quỳnh