Đôi mắt tròn xoe của bé Hoàng 3 tuổi đang chữa tự kỷ, nhìn bác sĩ Trưởng khoa điều trị Liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em. “Hôm qua con ngủ có ngoan không?”, bác sĩ Tâm hỏi han. Cậu bé chạy lại quấn lấy chân bác sĩ và cất tiếng cười giòn tan.
Nhìn Hoàng, không ai nghĩ chỉ hai tháng trước em còn không biết nói cười, chạy nhảy. Hội chứng tự kỷ khiến bé không biết phản xạ, giao tiếp. Mẹ em kể ngày trước bé cứ thấy ai mặc áo blouse trắng đến gần là sợ khóc thét lên. Từ khi về Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị, “thấy bác sĩ Tâm là cháu cười, còn đòi bế, bác sĩ quan tâm như người nhà vậy”, mẹ bé nói. Hôm nay bác sĩ Tâm xin được một suất quà cho hai mẹ con bé Hoàng. Đây là một số tiền được viện quyên góp từ các nhà hảo tâm dành cho những bệnh nhi nghèo không có tiền chữa trị.
Sau khi hỏi han, bác sĩ Tâm lại gần giường của bé Hoàng để bắt đầu châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp. Những ngày đầu cậu bé sợ và đau nên khóc rất to khiến kim châm bị tuột ra. Với người lớn, châm cứu rất êm vì họ có thể ngồi im. Tuy nhiên trẻ nhỏ hiếu động, chân tay không yên lại hay sợ hãi nên nếu cử động sẽ dẫn đến bị đau ở các vị trí châm kim, bác sĩ và bố mẹ phải dỗ dành. Bác sĩ Tâm lấy điện thoại cho bé Hoàng xem. Một lúc sau, bé nằm yên xem điện thoại để bác sĩ châm cứu, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Theo bác sĩ, đông y coi tự kỷ là chứng bệnh với những biểu hiện suy giảm giao tiếp, trí tuệ, hành vi. Những tổn thương kinh mạch, tạng phủ, điều trị bằng cách tác động lên huyệt vị, kinh lạc. Trẻ nhỏ bị thiếu hụt, khiếm khuyết những chức năng về tâm trí, ngôn ngữ, vận động. Phương pháp phục hồi chức năng cho các cháu bằng Đông y như điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ... đem lại hiệu quả rất tốt. Bé Hoàng sau ba tháng điều trị đã có thể chạy nhảy, biết phản xạ, giao tiếp.
Một bé khác đang được bác sĩ Tâm điều trị là cháu Nam 5 tuổi (Nghệ An). Nam bị viêm dây thần kinh ngoại biên dẫn đến liệt tứ chi. Gia đình đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương để giúp bé phục hồi chức năng. Bác sĩ Tâm chữa trị theo liệu trình, kết hợp cho Nam tham gia các hoạt động tập thể vào mỗi buổi chiều tại bệnh viện. Lúc đầu, bác sĩ hướng dẫn Nam và các em nhỏ cách chạy nhảy, cầm nắm từng quả bóng, trượt cầu. Sau dần, Nam có thể tự cầm nắm và vui chơi cùng các bạn. Hành lang bệnh viện được tạo dựng thành khu vui chơi, có cầu trượt, xe đạp, tranh ảnh trang trí... Đây là thành quả mà bác sĩ Tâm phải mất hơn một năm kêu gọi đóng góp để xây dựng.
Buổi sinh hoạt rộn ràng tiếng nói cười, thỉnh thoảng lại vang lên những câu nói đùa như "ông Tâm đẹp trai nhất", "ông Tâm đẹp trai không"... Theo bác sĩ, đây là cách dạy các bé tập nói, tập nhận thức. "Vừa chữa bệnh vừa vui đùa sẽ giúp các cháu không bị căng thẳng, áp lực và sợ hãi", bác sĩ Tâm cho biết. Các bé đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Quá trình điều trị phải kiên trì lâu dài, do đó cần tạo môi trường vui vẻ, sạch đẹp để các cháu không ghét bệnh viện, ghét bác sĩ.
Tại khoa Liệt vận động, ngôn ngữ trẻ em Bệnh viện Châm cứu Trung ương, các bác sĩ điều trị không những cho các bé tự kỷ mà cả bại não, liệt vận động, chậm ngôn ngữ. "Nhiều bé bị tự kỷ, liệt vận động, chưa nói được, trí não chưa hoạt động bình thường nhưng cháu có thể đi lại, vận động bình thường là chúng tôi đã rất vui rồi", bác sĩ chia sẻ.
Thúy Quỳnh