Ngày 16/3, tỉnh Bắc Ninh phát đi thông báo kết luận của Chủ tịch Nguyễn Tử Quỳnh tại cuộc họp về cung cấp thực phẩm tại trường mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành.
Chủ tịch Quỳnh yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho trường học; có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại trường mầm non Thanh Khương và các trường học ở Thuận Thành.
Ngành y tế được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xét nghiệm cho học sinh trường Mần non xã Thanh Khương, cung cấp thông tin chính thức cho các bên liên quan căn cứ kết quả mẫu xét nghiệm. Việc hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về nguyên nhân, ảnh hưởng và cách phòng chống sán lợn cũng được giao cho cơ quan y tế.
Để tránh tâm lý hoang mang, hai ngành y tế và giáo dục tổ chức tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh; chỉ đạo cơ sở giáp dục chủ động phối hợp thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát, truy suất nguồn gốc thức phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể bán trú tại trường học.
Trước đó cuối tháng 2, một số phụ huynh đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Thanh Khương. Khoảng một tuần sau, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống. Cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm.
Lo ngại con em bị bệnh do phải ăn các loại thực phẩm không an toàn, trong hai ngày 15-16/3 hàng nghìn phụ huynh đưa con lên Hà Nội làm xét nghiệm. Thống kê của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, có 550 trường hợp đến xét nghiệm sán lợn. Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, sáng nay có 500 bé, hôm qua là 175. Cơ quan y tế cho biết, dự kiến ngày 17/3 sẽ có kết quả các mẫu xét nghiệm trên.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải lợn phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả vùng miền, tỉnh thành. Sán lợn lây lan do thực phẩm nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước. Con người ăn rau không rửa sạch, thực phẩm không nấu chín... dẫn đến nhiễm giun sán.
Bệnh ấu trùng sán lợn xảy ra ở người ăn phải trứng sán lợn nhiễm trong thức ăn. Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt rồi sẽ hóa nang.
Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt, nó có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Theo phác đồ điều trị hiện nay, cần một ngày để tiêu diệt sán trưởng thành và hai tuần diệt hết trứng sán.