Tại cuộc họp trực tuyến về thi tốt nghiệp THPT ngày 27/5 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ông Nguyễn Thế Sơn, Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, cho biết toàn tỉnh có gần 16.400 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, dự kiến có 27 điểm thi và 705 phòng thi.
Đến hết ngày 26/5, toàn tỉnh có 7/8 huyện, thị xã, thành phố đang giãn cách hoặc cách ly xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng. Với học sinh lớp 12, tỉnh có 15 em mắc Covid-19, đều ở huyện Thuận Thành. Trong số này, 5 em đã được ra viện hôm 24/5. Số F1 đang học lớp 12 là 125, F2 là 394 em.
Trước tình hình này, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh đã lên hai phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Phương án 1 là nếu Bắc Ninh kiểm soát được dịch bệnh, kết thúc các biện pháp giãn cách, cách ly vào khoảng ngày 20-25/6, kỳ thi sẽ được tổ chức đúng lịch của Bộ, vào 7-8/7. Đối với nhóm F2, tỉnh sẽ bố trí phòng thi dự phòng tại các điểm thi. Thí sinh F0 đang phải điều trị và không có điều kiện dự thi sẽ được đặc cách theo hướng dẫn của Bộ.
Riêng với thí sinh F1, phải cách ly tập trung, Bắc Ninh chia thành các tình huống. Nếu mỗi huyện/thị có số F1 lớn hơn 2 phòng thi (mỗi phòng 10 học sinh), địa phương bố trí một điểm thi cho F1. Nếu nhỏ hơn, các huyện/thị nghiên cứu điểm thi phù hợp. Tình huống khác là nếu số lượng F1 còn nhiều, Sở sẽ xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi đợt 2.
Phương án 2, sau ngày 20-25/6, tình hình dịch còn phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly, Bắc Ninh đề nghị tổ chức thi đợt 2 cho học sinh toàn tỉnh.
Ông Sơn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản hướng dẫn đối với các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp để chủ động xây dựng phương án ứng với tình huống cụ thể, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trong đó có tính đến tổ chức thi lần 2, cho mốc thời gian thi để các địa phương chủ động thời gian xây dựng kế hoạch thi lớp 10, chuẩn bị năm học mới.
Ông Sơn cũng đưa ra một số tình huống cụ thể cần được Bộ hướng dẫn như với F0 phải điều trị trong bệnh viện trước ngày thi quá 10 ngày, có xếp loại học lực và hạnh kiểm cả năm lớp 12 đều từ khá trở lên có thuộc đối tượng xét đặc cách tốt nghiệp không; F0 phải điều trị tại bệnh viện trước ngày thi không quá 10 ngày nhưng có học lực, hạnh kiểm cả năm lớp 12 xếp loại trung bình thì sao?
Với thí sinh F1 đang cách ly tập trung, theo ông Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất một số vấn đề về cơ sở vật chất điểm thi, học sinh, giáo viên, chẳng hạn quy định số thí sinh trong một phòng thi, mỗi điểm thi tối đa bao nhiêu phòng; các quy định về phòng dịch đối với tất cả lực lượng tham gia kỳ thi, ví dụ cán bộ tham gia tại điểm thi có F1 phải cách ly bao nhiêu ngày.
Ông Sơn cũng cho rằng Bộ phải tính đến việc cán bộ, giáo viên tham gia làm thi tại điểm thi có thí sinh F1 là ai, cử hay huy động tình nguyện tham gia. Bộ cũng cần hướng dẫn cho học sinh thuộc vùng cách ly, phong tỏa nhưng không thuộc diện tiếp xúc gần. Cuối cùng, ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn, chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng để thí sinh phải thi đợt 2 an tâm trong nguyện vọng xét tuyển, đảm bảo công bằng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành về thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: MOET.
Cũng là địa phương tình hình dịch căng thẳng với số ca mắc lên tới 1.543 (tính đến sáng 27/5), ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, kiến nghị tương tự như Bắc Ninh.
Ông Nam cho biết toàn tỉnh năm nay có hơn 21.000 thí sinh đăng ký dự thi tại 37 điểm thi. Đến hết 26/5, riêng cán bộ, giáo viên có 1 F0, 134 F1, 615 F2 và hơn 1.000 người trong vùng cách ly, giãn cách. Với học sinh lớp 12, có một em F0, 152 F1, gần 2.700 F2 và hơn 7.000 trong vùng cách ly, giãn cách.
"Trước tình hình trên cùng dự báo đến ngày tổ chức kỳ thi, địa bàn tỉnh còn thí sinh trong diện cách ly, chúng tôi đề nghị Bộ tổ chức thi đợt 2", ông Nam nói, đồng thời đề xuất Bộ hướng dẫn chi tiết, cụ thể về tổ chức thi trong môi trường có dịch bệnh, trong đó có cả tình huống thi đợt 2 vẫn còn thí sinh phải cách ly.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết toàn tỉnh có 48 F0, tình hình dịch cũng phức tạp. Rà soát học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT, có 17 F1, 588 F2. Ngoài ra, tỉnh cũng có 89 giáo viên là F2 cùng hàng trăm F3.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục xây dựng 3 kịch bản tổ chức thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo an toàn, nghiêm túc. Một là đến kỳ thi, không có thí sinh nào thuộc diện F0, F1, tỉnh sẽ tổ chức thi bình thường tại 21 điểm thi. Hai là dịch lây lan ra diện rộng ở một số địa bàn thì các điểm an toàn vẫn tổ chức như đợt 1; các địa bàn có dịch như Hữu Lũng, Chi Lăng, tỉnh sẽ báo cáo và xin ý kiến của Bộ để tổ chức thi đợt 2 khi dịch ổn định. Cuối cùng là tình huống dịch bùng phát trên toàn tỉnh, tỉnh sẽ cho ngừng thi, báo cáo Bộ chuyển sang đợt thi mới.
Hiện, Lạng Sơn có nhiều học sinh phải cách ly, việc ôn thi bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông Huyên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm công tác ra đề thi sao cho phù hợp với thực tế và chú trọng giảm tải kiến thức.
Tương tự Bắc Ninh, Bắc Giang, ông Huyên kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể về việc xét đặc cách cho thí sinh F0 đang trong thời gian điều trị bệnh và về tổ chức thi trong điều kiện có dịch ở cộng đồng.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng mong muốn Bộ hướng dẫn cụ thể với các trường hợp F0. Theo đúng quy chế, các em không thể tham gia kỳ thi sẽ được đặc cách. Tuy nhiên, nếu địa phương tổ chức thi đợt 2, các em muốn có kết quả thi để xét tuyển đại học thì có được tham gia thi không?
Cũng theo ông Dũng, ngoài F1, F2, Bộ cần hướng dẫn thêm về thí sinh trong địa bàn bị cách ly, phong tỏa. Nếu tổ chức thi làm hai đợt, Bộ phải tạo được sự tương đồng giữa hai đợt về đề thi và các khâu như coi thi, chấm thi. Đặc biệt, việc chấm thị tự luận môn Ngữ văn giữa các địa phương, các đợt thi phải đồng đều.
Tiếp thu ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ sẽ sớm hướng dẫn cụ thể với nhóm thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 và phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng.
Về việc tổ chức thi đợt 2 và sự cân bằng độ khó của đề thi hai đợt, ông Độ khẳng định Bộ đã có kinh nghiệm từ năm ngoái. Nếu phải tổ chức đợt 2, Bộ sẽ đảm bảo hai đợt cân bằng. Tuy nhiên, tinh thần là vẫn tổ chức kỳ thi vào ngày 7-8/7 cho tất cả thí sinh. Trường hợp rất đặc biệt, dịch diễn biến quá phức tạp, các địa phương có quá nhiều thí sinh diện F1, F2 lên phương án đề xuất để Bộ cùng quyết định.