Bắc Kinh trong năm 2022 ghi nhận tỷ lệ tử vong 5,72 người trên 1.000 dân, trong khi tỷ lệ sinh là 5,67 trẻ em trên 1.000 dân, theo số liệu được chính quyền thành phố công bố ngày 21/3.
Dân số Trung Quốc năm ngoái cũng lần đầu tiên suy giảm trong 6 thập kỷ. Nguyên nhân của xu hướng này được cho là do chi phí sinh hoạt leo thang, đặc biệt tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, cùng mức tăng trưởng kinh tế yếu và ngày càng nhiều người trẻ ngại kết hôn, sinh con.
"Điều này đã được lường trước, đặc biệt là đối với Bắc Kinh", Xiujian Peng, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách thuộc Đại học Victoria, Australia, cho biết.
Bà cho biết tỷ lệ sinh của Bắc Kinh hay các tỉnh thành khác ở Trung Quốc được tính dựa trên số người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, không tính các lao động nhập cư. "Do chi phí sinh hoạt, giáo dục và trình độ học vấn ở thành phố này ở mức cao, tỷ lệ sinh thấp ở nhóm dân cư thường trú là điều rất bình thường", Peng nói.
Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc năm ngoái là 6,77 trẻ em trên 1.000 dân, giảm so với mức 7,52 năm 2021 và là mức thấp nhất từ năm 1978. Trung Quốc năm 2022 cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất từ năm 1976, với 7,37 trường hợp trên 1.000 dân.
Sau thời gian dài áp dụng chính sách một con, Trung Quốc từ năm 2021 tìm cách khuyến khích người dân sinh con, như giảm thuế, cho phép lao động nghỉ thai sản dài hơn và trợ giá nhà ở. Tuy nhiên, các biện pháp trên không được kỳ vọng có hiệu quả về dài hạn và xu hướng suy giảm dân số Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì trong thời gian dài.
Theo số liệu từ trang thống kê thời gian thực Worldometers, dân số Trung Quốc hiện đạt 1,45 tỷ người, là quốc gia đông dân nhất thế giới. Ấn Độ xếp vị trí thứ hai với 1,41 tỷ người và được dự đoán sẽ soán ngôi về dân số của Trung Quốc trong năm nay.
Đức Trung (Theo Reuters)