Ngày 24/5, tại trụ sở TAND tỉnh Thái Bình, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bác kháng cáo kêu oan của Đường và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Nguyễn Khắc Nin (đàn em của Đường). Đường và Nin bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 15 và 12 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Tại tòa hôm nay, Đường "Nhuệ" cung cấp thêm một số chứng cứ mà bị cáo cho là mới song HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Cùng với ba vụ án trước đó, Đường phải chấp hành án phạt 22 năm tù.
Trong vụ án này còn có 6 bị cáo khác chấp nhận án sơ thẩm về cùng tội danh là Nguyễn Thị Dương (vợ Đường) án 8 năm tù; Ninh Đức Lợi và Phạm Văn Úy cùng 13 năm; Nguyễn Khắc Nin và Bùi Mạnh Tiến (Tiến "Trắng", con nuôi Đường "Nhuệ") cùng 12 năm; Quách Việt Cường 8 năm.
Theo bản án, Đường cùng đồng phạm buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ ở Thái Bình nộp 500.000 đồng/ca hỏa táng. Ai chống đối sẽ bị đe dọa, chặn xe, đánh người. Từ năm 2017 đến 2020, nhóm này thu gần 2,5 tỷ đồng tiền bảo kê hỏa táng của 25 cơ sở.
Suốt quá trình điều tra và xét xử, Đường "Nhuệ" không nhận tội nhưng tòa cho rằng vẫn đủ chứng cứ khẳng định Đường phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.
Vợ Đường ở tòa sơ thẩm thừa nhận ký một số hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Dương Đường với các cơ sở dịch vụ tang lễ ở Thái Bình để thu 500.000 đồng/ca hỏa táng. Ngoài ký hợp đồng, Dương bị cáo buộc 2 lần nhận tiền "bảo kê" hỏa táng, tổng cộng gần 100 triệu đồng.
Dương khai chỉ kinh doanh bất động sản, không biết chồng "làm thêm dịch vụ hỏa táng". Do tin tưởng và muốn Đường làm ăn được nên ký vào hợp đồng với các cơ sở tang lễ dù "không đọc, không biết nội dung".
Tuy nhiên, bản án nhận định Dương đã ký nhiều tài liệu liên quan với Hiệp hội Tang lễ Thái Bình. Dương biết các hợp đồng này không có giá trị pháp lý, nhưng vẫn ký để ép các đơn vị dịch vụ hỏa táng lo sợ phải nghe theo và chấp nhận nộp tiền. Tòa xác định Dương tham gia vụ án với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho chồng.