Đến 30/6, Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 212.000 tấn vải thiều, tăng 29% so với vụ năm ngoái, trong đó vải chính vụ đạt hơn 154.000 tấn. Khác với những năm trước phần lớn xuất khẩu, vải thiều năm nay được tiêu thụ trong nước chiếm đến 65% tổng sản lượng.
Trong đó, hơn 70.500 tấn được sấy khô, 32.100 tấn tiêu thụ tại hệ thống chợ đầu mối, 15.000 tấn bán qua các siêu thị, sàn thương mại điện tử và hơn 21.600 tấn qua các hệ thống bán buôn, bán lẻ khác.
Năm nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu vải lớn nhất của Bắc Giang với khoảng gần 70.000 tấn (chiếm 93,8%). Tiếp sau đó là các thị trường Đông Nam Á, Nhật Bản, EU...
Sau hơn 1 tháng tiêu thụ, Sở Công Thương Bắc Giang ước thu gần 6.727 tỷ đồng từ vải thiều và dịch vụ phụ trợ (bằng 98,5% năm ngoái). Trong đó, thu từ vải thiều hơn 4.200 tỷ, từ dịch vụ phụ trợ (như thùng xốp, đá cây...) hơn 2.500 tỷ. Giá vải năm nay dao động bình quân từ 12.000 - 26.000 đồng một kg. Còn khoảng một tuần nữa, Bắc Giang sẽ kết thúc vụ vải thiều năm nay - sớm hơn dự kiến khoảng 10 ngày.
Đây là một kết quả bất ngờ với Bắc Giang khi vụ vải năm nay rơi đúng vào giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh này. Mới đây, chính lãnh đạo Bắc Giang cũng cho biết, tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu trong bối cảnh hiện tại là kết quả ngoài sức tưởng tượng
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, để đạt được kết quả tiêu thụ vải hiện nay ngoài sự nỗ lực của Bắc Giang, "còn là sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ ngành, tỉnh thành và sự ủng hộ tích cực của người dân cả nước". Đồng thời, ông cho hay hơn 60% tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước cũng là cơ hội để địa phương tính toán, nhìn nhận lại thị trường tiềm năng gần 100 triệu dân.
Từ đầu vụ năm nay, Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản để tiêu thụ, bảo vệ quả vải ở tâm dịch. Hồi đầu tháng 6, tỉnh này cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các hãng hàng không trong nước hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phân phối vải thiều từ Bắc Giang vào các tỉnh phía Nam với mức giá ưu đãi trong thời gian thu hoạch chính vụ.
Anh Tú