Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, các thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan kiểm soát chặt chẽ tình hình, xử lý kịp thời, không để dịch cúm gia cầm lây lan.
Những ngày qua, dịch cúm đã gây bệnh và làm chết hơn 3.000 gia cầm thuộc địa bàn huyện Việt Yên và Yên Dũng, đặc biệt dịch đã gây chết 100% số thủy cầm (ngan, vịt) của các gia đình có dịch.
Trưa cùng ngày, Bệnh viện đa khoa Bắc Giang tiếp nhận một bệnh nhân có triệu chứng sốt cao khó thở. Bệnh nhân tên T.T.H., 24 tuổi, đang mang thai bảy tháng, trú tại huyện Việt Yên (nơi vừa được tỉnh Bắc Giang công bố là điểm dịch). Tại bệnh viện, các bác sĩ nghi bệnh nhân H. bị nhiễm H5N1 nên đã điều trị cách ly tại khoa lây và lấy mẫu bệnh phẩm để đưa về Hà Nội xét nghiệm. Trước đó, ở nhà bệnh nhân H. có một đàn vịt bị chết không rõ nguyên nhân.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống SARS và cúm gia cầm vào chiều 2/11 tại Hà Nội, ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã khuyến cáo người dân không nên ăn gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm; đồng thời cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trước hết là không tiếp xúc, giết mổ, ăn gia cầm bệnh, gia cầm không rõ nguồn gốc. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức tổng diễn tập phòng chống dịch cúm gia cầm với những tình huống phức tạp để chủ động xử trí trong điều trị dự phòng, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong.
Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết, nếu đại dịch cúm A H5N1 xảy ra, Tamiflu vẫn là loại thuốc điều trị hiệu quả nhất, nhưng nó không phải là thần dược. Tamiflu chỉ có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus và ngăn chặn virus bám vào tế bào trong vòng 48 giờ đầu khi phát hiện bệnh.
(Theo Tuổi Trẻ, Người Lao Động)