Tới cuối tháng 7, bốn kỳ thi Olympic Sinh, Toán, Lý và Hóa quốc tế đã diễn ra. Việt Nam có 19 học sinh góp mặt ở bốn đội tuyển, giành 8 huy chương vàng, 7 bạc và 3 đồng.
Tỉnh Bắc Giang có ba học sinh tham gia (hai em thi môn Lý, một Hóa), đều giành huy chương vàng. Đây là những huy chương vàng quốc tế đầu tiên của tỉnh này.
Học sinh Bắc Ninh có một huy chương vàng Hóa, một giải đồng môn Toán. Đây là năm thứ ba liên tiếp tỉnh Bắc Ninh có học sinh đạt huy chương quốc tế. Năm ngoái, tỉnh có hai giải vàng (Vật lý, Hóa học), hai đồng. Còn năm 2022, tỉnh có một huy chương bạc môn Lý. Trước các mốc này, lần gần nhất Bắc Ninh có học sinh đạt giải là năm 2015 với một huy chương bạc môn Hóa.
Kỳ thi các năm trước, hầu hết học sinh góp mặt tới từ trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM), và trường chuyên của một số tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An.
Top 10 trường có nhiều học sinh thi IMO nhất
Ở quy mô quốc gia, trong giai đoạn 2022-2024, top 10 tỉnh, thành có nhiều giải gần như luôn có tên Bắc Ninh, Bắc Giang. Mỗi tỉnh thường có 4-11 trên khoảng 90 giải nhất mỗi năm.
Số lượng giải và thứ hạng của hai tỉnh trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ba năm qua:
2022 (Hơn 2.200 giải) |
2023 (Hơn 2.200 giải) |
2024 (Hơn 3.350 giải) |
|
Bắc Ninh | 67 giải - hạng 8 | 69 giải - hạng 9 | 79 giải - hạng 12 |
Bắc Giang | 66 giải - hạng 10 | 59 giải - hạng 14 | 86 giải - hạng 7 |
"Chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều tiến bộ vượt bậc, nhiều nội dung lập thành tích cao nhất từ khi tái lập tỉnh vào năm 1997 đến nay", ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, đánh giá.
Hai tỉnh cho rằng điều này nhờ các chính sách, đề án dài hạn, trong đó chú trọng nguồn lực để phát triển ba yếu tố chính.
Thứ nhất là phát triển trường chuyên, trường trọng điểm chất lượng cao bằng nhiều chính sách ưu tiên.
Theo ông Hùng, trong đề án Nâng cao chất lượng học sinh giỏi giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030, ngoài các mục tiêu về xây dựng cơ sở vật chất (phòng học bộ môn, STEM, bể bơi, phòng tập thể hình, nhà nội trú...) cho trường chuyên Bắc Giang, tỉnh còn xây dựng khung chương trình học dành riêng cho trường chuyên và 9 trường THCS trọng điểm. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi được kết nối các trường để đảm bảo sự thống nhất, tạo chất lượng đồng đều.
Tương tự tại Bắc Ninh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết tỉnh luôn chú trọng tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi từ sớm, đồng bộ từ cấp THCS. Tỉnh này cũng có chính sách hỗ trợ dành riêng học sinh trường chuyên và 8 trường THCS trọng điểm, như cấp học bổng mỗi tháng bằng 40-100% lương cơ sở (1-2,34 triệu đồng); hỗ trợ 30.000-60.000 đồng hàng ngày cho học sinh.
Thứ hai là các tỉnh đưa giáo viên giỏi về dạy trường chuyên. Bắc Ninh có nhiều chính sách thu hút, như hỗ trợ từ 100 triệu đồng đến một tỷ đồng cho giáo viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên về trường chuyên. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô được hỗ trợ đến 18 lần mức lương cơ sở một năm (42 triệu đồng), chưa tính các khoản khi tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi.
Ba là chính sách khen thưởng cao, lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ở cấp quốc tế, Bắc Ninh thưởng 500 triệu đồng cho học sinh đạt huy hương vàng, bằng Hải Phòng và chỉ đứng sau Quảng Ninh (700 triệu). Các giải còn lại được thưởng không dưới 100 triệu đồng. Ngay khi lọt vào đội tuyển chính thức, các em đã được thưởng 50 triệu.
Bắc Giang không quy định mức thưởng cụ thể, mà tính bằng 52 lần lương cơ sở, tương đương gần 122 triệu đồng, dành cho học sinh đạt huy chương vàng quốc tế. Ngoài ra, tỉnh này còn có quỹ do doanh nghiệp tài trợ, thưởng thêm 300 triệu. Tổng mức thưởng dành cho các giải khác cũng trên 50 triệu.
Ngoài ra, hai tỉnh đều thưởng cho giáo viên bồi dưỡng đội tuyển. Mức thưởng của thầy cô thường bằng 30-50% của học sinh. Bên cạnh đó, trong quá trình ôn luyện, thầy trò được hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại và sinh hoạt phí.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh, mục tiêu dài hạn của tỉnh là duy trì ổn định kết quả, đồng thời cải thiện chất lượng giáo dục mũi nhọn nói chung, tạo động lực cho giáo dục đại trà.
"Để làm được điều này, ngành sẽ rà soát mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo viên và thêm chính sách thu hút giáo viên giỏi", đại diện Sở cho biết.
Còn tại Bắc Giang, ông Tạ Việt Hùng nhấn mạnh việc các trường THCS cần có kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi từ những lớp đầu cấp. Những em được chọn không chỉ có điểm số cao, mà còn cần yêu thích môn học, có khả năng tự học, tư duy độc lập và hợp tác với bạn bè.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang chú trọng xã hội hóa giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng quỹ hoặc trực tiếp khen thưởng cho học sinh, giáo viên.
Thanh Hằng