Mai, 40 tuổi, từng cảm thấy hài lòng về điều kiện của gia đình mình, nhưng đó là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khiến cả thế giới ghen tị. Bây giờ, dù sở hữu hai căn hộ và có việc làm, Mai ngập trong nợ nần và thường xuyên lo lắng về nguy cơ mất việc trước triển vọng kinh tế bi quan.
Lương của Mai giảm một nửa do mất tiền hoa hồng và chỉ kiếm được khoảng 10.000 tệ (1.570 USD) mỗi tháng. Trong khi đó, tổng nợ của gia đình đã tăng lên 3,5 triệu tệ (540.000 USD).
"Tóc tôi bạc trắng trong 6 tháng qua. Tôi lo lắng cả ngày lẫn đêm rằng không thể trả nợ hàng tháng", anh nói, cho biết khoản nợ tháng này đã vượt quá 25.000 tệ (3.900 USD), cao hơn tổng thu nhập của hai vợ chồng.
Mọi chuyện bắt đầu từ khi hai người lên kế hoạch mua căn hộ thứ hai năm 2016, lúc thị trường bất động sản của Trung Quốc đang sốt và Mai quyết tâm mua bằng được căn hộ để đầu tư.
7 năm qua, anh đã vay nhiều khoản với thời hạn trả nợ từ 1,5 tới 30 năm. Chúng bao gồm các khoản thế chấp, vay quỹ hỗ trợ mua nhà cá nhân, vay tiêu dùng và vay tín dụng. Anh cũng đang nợ tín dụng và vay cả người thân, bạn bè. Mai sử dụng căn hộ đầu tiên mua năm 2011 để làm tài sản thế chấp mua căn thứ hai.
Nhưng thị trường bất động sản chững lại khiến các khoản đầu tư của Mai giảm giá trị từ 8,5 triệu tệ (1,3 triệu USD) còn 7 triệu tệ (một triệu USD). Những gia đình giống Mai đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc và là dấu hiệu cảnh báo về gia tăng rủi ro nợ ở hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và lao động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những rủi ro này bắt đầu xuất hiện từ năm ngoái, khi Bắc Kinh ra nhiều chính sách thắt chặt ngành bất động sản, Internet và dạy thêm. Rủi ro càng tăng lên khi Trung Quốc đang vật lộn với làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất kể từ năm 2020.
Các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc như phong tỏa những trung tâm tài chính và sản xuất quan trọng đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, làm tê liệt nhu cầu tiêu dùng và phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi nền kinh tế vốn đã ảm đạm từ nửa cuối năm ngoái.
Các nhà kinh tế học đã hạ tỷ lệ dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I, lưu ý làn sóng Omicron bùng phát khiến nhiều địa phương phải phong tỏa đã chấm dứt các chỉ số dự báo kinh tế lạc quan đưa ra hồi tháng 1 và tháng 2.
Nhưng Bắc Kinh vẫn kiên trì với chiến lược "Không Covid", làm dấy lên lo ngại về tổn thất kinh tế ngày càng tăng. Một số nhà phê bình cho rằng chiến lược chỉ hiệu quả với biến chủng ít lây nhiễm hơn Omircon.
Trong khi đó, nợ cá nhân ở Trung Quốc tiếp tục tăng. Nhiều người khá giả thuộc tầng lớp trung lưu cũng đang vật lộn với nỗi sợ về tương lai.
Tomas Lei làm việc cho một công ty Internet hàng đầu ở Hàng Châu, trung tâm của các doanh nghiệp Internet và thương mại điện tử ở tỉnh Chiết Giang. Anh được coi là một trong những người giàu có nhất thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Tuy nhiên, Lei và đồng nghiệp đang gặp khó khăn khi ngành công nghiệp Internet ở Trung Quốc bị siết chặt trong năm qua. Kinh tế suy thoái, trong khi nhiều công ty sa thải nhân viên với quy mô lớn, hoặc giảm lương và ngừng tuyển dụng.
"Nỗi sợ giảm thu nhập và mất việc đang lan rộng khắp nơi. Không ai không sợ mất việc. Các ngành công nghiệp khác ở Trung Quốc mang lại thu nhập thấp hơn nhiều và không thể đáp ứng nổi nhu cầu trả nợ cao của các hộ gia đình như chúng tôi", Lei, người phải trả 30.000 tệ (4.600 USD) mỗi tháng tiền mua một căn hộ, một căn nhà và một chiếc xe, nói.
Giấc mơ tự do tài chính ở tuổi trung niên cùng số cổ phần sở hữu trong các công ty công nghệ được định giá hàng triệu hay hàng chục triệu tệ, phần lớn đã tan thành mây khói.
"Có rất nhiều nhân viên công ty Internet như chúng tôi, ở độ tuổi 30, đã mua một hoặc nhiều bất động sản trị giá hàng triệu tệ trong hai năm qua,với khoản vay thế chấp hàng chục nghìn tệ mỗi tháng", Lei nói.
"Cổ phiếu và tiền thưởng cuối năm chiếm phần lớn thu nhập của chúng tôi, trong khi tiền lương cố định hàng tháng chỉ chiếm phần nhỏ. Chỉ trong 2-3 tháng, tiền lương của chúng tôi cũng giảm ít nhất 1/3 so với năm ngoái", Lei nói.
Trong khi đó, suy thoái trong ngành công nghệ đang làm giảm giá trị bất động sản ở Hàng Châu. Lei cho hay giá nhà nơi anh sống ở quận Tây Hồ đã giảm từ hơn 60.000 tệ một m2 năm ngoái xuống còn 50.000 tệ.
Khi giá bất động sản giảm, thậm chí giảm xuống dưới giá trị khoản thế chấp, một số chủ sở hữu chọn cách ngừng trả nợ. Tính đến 21/12/2021, hơn 1,69 triệu căn hộ được tòa án địa phương niêm yết trên nền tảng đấu giá trực tuyến Taobao, tăng so với 500.000 căn năm 2019.
Vivi Chen và chồng đều làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Thâm Quyến. Họ mua hai căn hộ ở trung tâm thành phố năm 2019 và 2020 trong thời kỳ bùng nổ tài chính và bất động sản ở thành phố này.
Nhưng với tình hình suy thoái năm nay, Chen vô cùng bất an trước nguy cơ tăng nợ hộ gia đình và đã chọn cách cắt giảm tiêu dùng, dù tổng tài sản của hai vợ chồng có giá trị thị trường hơn 18 triệu tệ (2,83 triệu USD).
"Tôi phải lên danh sách chi tiêu cẩn thận và không mua sắm quần áo xa xỉ,", cô nói. "Tôi sẽ không mua váy quá 500 tệ (78 USD)".
Không biết có thể giữ được việc nếu kinh tế tiếp tục đi xuống hay không, Mai và Lei đều cân nhắc bán bớt nhà.
"Hiện rất khó tìm người mua", Mai nói. "Mặt khác, tôi cũng vô cùng bức xúc. Tôi cảm giác mình đã làm việc chăm chỉ hơn 10 năm để gia nhập tầng lớp trung lưu, nhưng giờ có nguy cơ rớt khỏi tầng lớp này".
Hồng Hạnh (Theo SCMP)