![]() |
Nông dân Long An cứu lúa trong mùa lũ. |
Theo Trung tâm quốc gia dự báo khí tượng thủy văn, do có lũ lớn trên các sông Bắc Bộ nên lưu lượng nước đến hồ Hòa Bình đã đạt đỉnh vào 4h sáng nay với mức 15.000 m3/giây. Để đảm bảo điều tiết lũ, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã liên tiếp mở cửa xả đáy số 4 vào 10h ngày 1/8 và cửa số 5 vào 16h cùng ngày. 7h sáng nay, cửa xả đáy số 6 lại được mở.
Sáng nay, trong cuộc họp thường kỳ của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ chỉ đạo: - Đối với lũ trên sông Thái Bình và Hồng: Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của tỉnh cùng các ngành liên quan cần nắm chắc diễn biến lũ, xử lý kịp thời các sự cố. Nâng cao cảnh giác, đề phòng các sự cố xảy ra trên đê sông Hồng bởi từ năm 1996, tuyến đê này chưa được cọ xát với lũ lớn. - Đối với các tỉnh ĐBSCL: Giao cho Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam nghiên cứu, thiết lập hệ thống theo dõi, cảnh báo nguy cơ sạt lở trên các triền sông. Cần chia thành nhiều mức độ sạt lở, tiêu chuẩn xử lý sạt. - Đối với các tỉnh miền Trung, sẽ cử đoàn công tác đi khảo sát, chỉ đạo kịp thời việc chống hạn. Các cơ quan chức năng cần nắm chắc lượng nước trong các hồ chưa để có biện pháp điều tiết, quản lý. |
Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội đang lên nhanh, lúc 7h sáng nay là 10,18 m (trên báo động 1 là 0,68 m). Dự báo, nước tiếp tục lên, đến sáng 4/8, có khả năng ở mức 11,4 m, sau đó biến đổi chậm. Trên hệ thống sông Thái Bình, lũ cũng đang lên nhanh. Mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương đạt đỉnh lúc 17h ngày 1/8 với mức 6,08 m (trên báo động 3 là 28 cm) và đang xuống.
7h sáng nay, mực nước tại Đáp Cầu là 6,07 m (trên báo động 3 là 27 m); Phủ Lạng Thương là 5,91 m, bên báo động 3 là 11 m; Lục Nam là 5,54 m, dưới báo động 3 là 26 m; Phả Lại là 5,49 m, dưới báo động 3 là 1 cm. Dự báo, trưa chiều nay, mực nước sông Cầu tại Đáp Cầu có khả năng đạt mức 6,2 m, trên báo động 3 là 40 cm, sau đó xuống dần. Đến tối mai, mực nước tại Phả Lại có khả năng lên mức 5,7.
Lũ trên sông Mekong đang lên nhanh. Lúc 7h sáng nay, mực nước tại Viên Chăn là 10,40 m, tại Pakse là 10,32 m, tại Kratie là 19,28 m, tại cảng Phnom Penh là 7,14 m. Nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên, mức nước cao nhất ngày hôm qua trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,04 m, sông Hậu tại Châu Đốc là 2,47 m, đều ở báo động 1.
Dự báo, đến ngày 6/8, mực nước tại Tân Châu có khả năng lên 3,3 m, Châu Đốc là 2,7 m. Đến giữa tháng 8, lũ trên sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động 2, nước tràn vào nội đồng các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang. Cường suất lũ có thể rất lớn, 10-15 cm/ngày nên sẽ gây ra tình trạng sạt lở ở bờ sông Tiền
Lũ đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp của Long An và An Giang. Tính đến ngày 21/7, diện tích lúa hè thu bị ngập úng ở 2 tỉnh này là hơn 11.570 ha, trong đó có 82 ha bị mất trắng, trên 600 ha bị gặt ép, tập trung ở những vùng không có bờ bao. Do tích cực xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ, nên đến thời điểm này, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa có trường hợp trẻ em chết vì lũ.
Tại Lai Châu, có 1 người mất tích do lũ cuốn. Thiệt hại về tài sản ước tính 1,3 tỷ đồng. Các huyện thị bị ảnh hưởng nhiều nhất là Tủa Chùa, Mường Lay và thị xã Lai Châu.
Tại Lào Cai, đến 14 chiều qua, đã có 2 người chết, 3 ngôi nhà đổ, một số nhà và cột điện đang có nguy cơ sập. Quốc lộ 32 đi qua huyện Than Uyên bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Hơn 100 ha lúa và rau màu bị thiệt hại.
Mưa lớn gây thiệt hại nặng về người và của ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Yên Bái. Có 26 gia đình dọc tuyến quốc lộ 32 bị sạt lở, trong đó có gia đình ông Giàng A Chống, xã Khao Mang đã bị đất đá làm sập nhà, chết 1 người.
Tại Thái Nguyên, mưa lũ gây úng ngập ở một số xã vùng ven sông Cầu, huyện Đồng Hỷ và thành phố Thái Nguyên. Có gần 4.000 nhà dân, 584 ha lúa và hoa màu bị ngập nước, trong đó có 200 ha lúa vùng trũng có khả năng sẽ phải cấy lại.
![]() |
Nước ngập nhiều nơi. |
Mưa lớn trên diện rộng làm lũ ở các sông suối của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đổ về nhanh và dồn dập. Có 6 nhà dân bị đổ, khoảng 100 nhà ở các xã Đồng Cốc, Nam Dương, Trù Hựu và một số tuyến đường ở các xã Thanh Hải, Nghĩa Hồ, Quý Sơn bị ngập.
Tất cả các huyện, thị của Tuyên Quang đã bị lụt. 1 người chết, 1.200 ha lúa, 500 ha rau màu bị thiệt hại. Mưa to làm sạt lở nhiều tuyến đường liên huyện, xã. Một số trạm biến áp, đường dây bị ngập, ngành điện phải tạm thời cắt điện ở 20 trạm biến áp.
Trong khi đó, miền Trung vẫn đang trong thời kỳ khô hạn. Từ ngày 27/7 đến 30/7, các tỉnh ven biển miền Trung có mưa rào nhẹ, lượng mưa rất nhỏ (5-15 mm) nên không cải thiện được tình hình khô hạn. Mực nước các sông đang ở mức thấp nhất trong năm, lượng dòng chảy đến những hồ chứa nhỏ hơn trung bình nhiều năm khoảng 30-40%. Nước trong các hồ chứa đã cạn kiệt, một vài hồ chỉ đạt 5-10% dung tích thiết kế.
Tính đến ngày 30/7, tại 9 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận) và 2 tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, tổng diện tích lúa hè thu, lúa vụ 3 và lúa mùa bị thiếu nước là 58.960 ha, trong đó có khả năng mất trắng 1.836 ha. Có 4.570 ha hoa màu cùng 5.760 ha cây công nghiệp cũng đang bị hạn nặng. Thiệt hại nặng nhất là các tỉnh Quảng Nam (10.715 ha), Bình Định (16.770 ha), Phú Yên, Ninh Thuận mỗi tỉnh có khoảng 6.200 ha lúa khô cháy.
Theo các nhà quản lý, miền Trung có khả năng xảy ra đói vì phần lớn diện tích lúa hè thu đang trổ bông thì gặp hạn. Lúa vụ ba với khoảng 150 nghìn ha (ngày 15/8 thì gieo sạ) có nguy cơ thiếu nước tưới. Trung tâm quốc gia khí tượng thủy văn, cho biết từ nay đến trung tuần tháng 8, ở các tỉnh ven biển Trung Bộ vẫn còn ít mưa. Một vài nơi có mưa nhỏ, lượng mưa 10-20 mm, nền nhiệt độ vẫn cao. Lượng dòng chảy trên các sông suối, nước trên các hồ đập có khả năng thiếu hụt khoảng 30-40% so với trung bình nhiều năm.
X.H.