Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, Trần Khánh Quang cho biết trong gần 2 quý đầu năm, thị trường địa ốc Sài Gòn đối mặt với việc nguồn cung khan hiếm cục bộ vì nhiều dự án đình trệ do việc rà soát, thanh tra pháp lý.
Rổ hàng ít nên lượng tiêu thụ bất động sản của TP HCM giảm xuống, hàng loạt các doanh nghiệp địa ốc trú đóng tại Sài Gòn di cư ra các tỉnh giáp ranh và những thành phố biển để phát triển dự án, theo đuổi chiến lược đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, ông Quang đánh giá sức hấp dẫn của thị trường bất động sản TP HCM vẫn rất lớn. Chuyên gia này chỉ ra 3 xu hướng có thể dẫn dắt thị trường đầu tư bất động sản 6 tháng cuối năm
Đầu tư đất nền vùng trũng giá thấp
Những địa bàn thuộc ngoại ô Sài Gòn, hoặc ven thành phố được mệnh danh là vùng "trũng" giá còn thấp, có tiềm năng phát triển sẽ tiếp tục nóng trong phần còn lại của năm 2019. Những người theo đuổi kênh đầu tư này chia thành 2 nhóm đặc thù. Nhóm đầu tiên có gu chuộng đất ven biển. Nhóm thứ hai thích đổ tiền vào vườn tược nhiều mảng xanh.
Các địa bàn thu hút đầu tư đất nền vùng trũng điển hình hiện nay gồm: Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh... thậm chí một số vị trí giáp ranh với các huyện này cũng thu hút giới đầu tư. Đặc điểm của nhóm đất nền vùng trũng giá thấp này là đều đảm bảo kết nối về trung tâm thành phố trên dưới 1,5 giờ đồng hồ di chuyển.
Thách thức cho nhà đầu tư loại tài sản này là giá đất vùng trũng hiện đã không còn thấp như cách đây 3 năm. Sốt đất trong những năm qua đã khiến cho đất nền vùng trũng đua nhau thiết lập mặt bằng giá mới. Nhà đầu tư sẽ bị đánh đố trước một rừng giá thật - ảo lẫn lộn. Tuy nhiên, chỉ cần tăng cường khảo sát địa bàn và kết nối với chính quyền địa phương để nắm rõ quy hoạch, biết giá giao dịch bình quân trên thị trường thực tế, nhà đầu tư vẫn còn nhiều cơ hội sinh lời nếu chọn đúng các vị trí kết nối giao thông tốt.
Đầu tư theo vết dầu loang ở 2 cực Đông - Nam
Theo ông Quang, đầu tư phân cực là chiến lược khôn ngoan, để tránh vùng đỉnh giá bất động sản ngày càng bị đẩy lên ngất ngưởng tại khu vực lõi trung tâm đô thị. Mặc dù cả khu Đông và khu Nam khá rộng lớn, xu hướng dịch chuyển theo các siêu dự án tại 2 trục đô thị này đang ngày càng rầm rộ. Phần lớn nhà đầu tư bất động sản có dòng vốn dài hạn trung bình 5-10 tỷ đồng đang chuộng 2 cực Đông – Nam thành phố để "chọn mặt gửi vàng". Đây cũng là 2 trục đô thị liên tục xuất hiện các siêu dự án quy mô lớn chưa từng có hoặc quy hoạch bài bản, môi trường sống tốt.
Nửa cuối năm 2019 dự kiến sẽ có 2 dự án quy mô khủng được tung ra tại quận 9 và huyện Nhà Bè, đều do các chủ đầu tư có thương hiệu mạnh và vốn lớn phát triển. Trong bối cảnh toàn thành phố đang khan hiếm nguồn cung mới, dòng tiền đầu tư trên thị trường nhiều khả năng sẽ đổ về các siêu dự án này.
Ngoài ra, sự xuất hiện của các dự án lớn mang dáng dấp đô thị xanh và hiện đại ở 2 trục đô thị Đông và Nam Sài Gòn đang thúc đẩy sẽ tăng xu hướng đầu tư ly tâm, tức dịch chuyển nhu cầu bất động sản về 2 trục đô thị này.
Đầu tư bất động sản hạng sang vẫn nóng
Thị trường nhà ở hạng sang ở vùng lõi trung tâm Sài Gòn trong nửa cuối năm 2019 là sân chơi gần như một mình một ngựa của rất ít dự án đã được phê duyệt. Đây cũng là rổ hàng độc quyền trong giai đoạn thành phố hạn chế cấp phép dự án nhà ở cao tầng mới giai đoạn 2018-2020. Chính vì sự độc quyền dẫn đến khan hiếm và vị trí đắc địa có một không hai của bất động sản hạng sang nên đây vẫn là kênh hút vốn của các nhà đầu tư có tài chính mạnh hoặc giới siêu giàu.
CEO Việt An Hòa đánh giá, trong 6 tháng cuối năm, bất động sản siêu sang sẽ có một số thay đổi ở thị trường tiêu thụ và đầu tư. Từ đầu năm 2019 trở về các năm trước, nhà đầu tư nước ngoài đang tiêu thụ bất động sản hạng sang tỷ trọng 30% mua theo room và một lượng không nhỏ thuê dài hạn, nhà đầu tư trong nước gần như lép vế. Tuy nhiên cục diện sẽ có xu hướng thay đổi dần vào nửa cuối năm 2019 với số lượng người Việt sẵn sàng mua bất động sản siêu sang tăng dần lên, tỷ trọng này có thể đạt 35-40%. Điều đó cho thấy xu hướng đầu tư bất động sản hạng sang đang trở nên ngày càng hấp dẫn giới siêu giàu trong nước.
Ông Quang đánh giá, tuy vẫn duy trì được sức hấp dẫn đối với một lượng nhà đầu tư nhất định, nhìn chung tốc độ bán bất động sản tại thị trường TP HCM sẽ chậm lại so với những năm bùng nổ trước đây. Lý do là khách hàng cẩn trọng hơn trước những quan ngại về pháp lý đang trong đợt cao điểm thanh kiểm tra trên diện rộng, nên thị trường tiêu thụ trở nên khó tính hơn. Nhà đầu tư ngày càng đòi hỏi chủ đầu tư phải chỉn chu dự án hơn trước hoặc họ chú trọng nhiều hơn đến thương hiệu doanh nghiệp.
6 tháng cuối năm biến động về giá được dự báo tái diễn tại thị trường bất động sản TP HCM do sự ách tắc nguồn cung cục bộ bởi lẽ độ trễ của chính sách thường được tính chu kỳ 12 tháng. Hệ quả là thị trường Sài Gòn không còn nhiều bất động sản bình dân, giá rẻ nữa. Thay vào đó, phân khúc này sẽ xuất hiện nhiều ở những tỉnh giáp ranh đồng thời giá bất động sản nội đô Sài Gòn sẽ ngày càng đắt đỏ. Như vậy, người có thu nhập khiêm tốn sống và làm việc tại TP HCM muốn an cư buộc phải dịch chuyển ra xa hơn và nhà đầu tư bất động sản ở phân khúc này cũng phải chấp nhận khoảng cách ly tâm lớn hơn trước đây.
Vũ Lê