Rạng sáng 9/6, vụ sạt lở xảy ra tại ấp Lũy, xã Phước Lại (Cần Giuộc) làm 5 ki-ốt bán hàng của hai hộ dân trôi xuống sông, thiệt hại ban đầu khoảng 1,4 tỷ đồng. Sự cố khiến đường tỉnh 826C chạy ven sông lộ nhiều vết nứt. Nếu không có biện pháp bảo vệ, khi nước sông rút, tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.
Theo ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An, đây là tuyến đường độc đạo của hàng nghìn hộ dân cùng doanh nghiệp vận tải tại 6 xã ở huyện Cần Giuộc. Hiện cơ quan chức năng tạm thời hạn chế các xe tải nặng qua lại khu vực bị sạt lở.
Tỉnh Long An hiện có 4 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng tại các huyện Cần Giuộc, Tân Trụ, Thạnh Hóa và Tân Thạnh. Địa phương trình Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng xây 7 dự án bờ kè chống sạt lở bờ sông.
Sáng nay tại Đồng Tháp, vụ sạt lở dài 30 m ven kênh Nha Mân - Tư Tải, thuộc huyện Châu Thành khiến một tiệm sửa xe và một kho phân bón sạt xuống sông, ước tính thiệt hại nửa tỷ đồng.
Theo chủ cửa hàng phân bón, nền gạch giữa nhà kho xuất hiện vết nứt vài ngày trước. Nghi ngờ sạt lở ông và hàng xóm đã di dời tài sản ra bên ngoài, giảm bớt thiệt hại. Phần công trình bị sạt xây theo kiến trúc nửa trên bờ và phần sàn trên mặt nước. Tường nhà kho xuất hiện vết nứt dài, khả năng sạt lở chưa dừng lại. Ngành chức năng hỗ trợ người dân di dời tài sản, cắm biển cảnh báo.
Trong ngày 7 và 8/6, khu vực bờ Bắc sông Cà Mau – Bạc Liêu tại xã Tân Phong, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) xuất hiện đoạn sạt lở dài 65 m, rộng 3-7 m. Sự cố làm 13 căn bị sụp một phần và 83 căn xuất hiện các vết nứt.
Địa phương cử lực lượng giúp các hộ dân dọn dẹp hiện trường thiệt hại, di dời đồ đạc ở các hộ nguy cơ sạt lở, cắm biển cảnh báo; thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân.
Từ đầu mùa mưa năm nay, các tỉnh miền Tây liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, chủ yếu tại địa phương ở thượng nguồn như An Giang và Đồng Tháp.
Hoàng Nam - An Minh - Ngọc Tài