Đây là chia sẻ của bà với các sinh viên Swinburne tại chương trình The Changemakers Series vào ngày 29/9. Không chỉ là một nhà ngoại giao có nhiều đóng góp trong việc tư vấn chính sách thương mại giữa Australia và Việt Nam, bà Vi Peterson còn được biết đến là người có ảnh hưởng tích cực đối với các hoạt động xã hội. Xuyên suốt buổi nói chuyện, bà chia sẻ trải nghiệm về các hoạt động xã hội nhằm truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tinh thần changemakers (người tiên phong thay đổi).
Bà Vi Peterson định nghĩa sự thay đổi và người tiên phong thay đổi là tạo ra những ảnh hưởng, bất kể nhỏ, lớn, diễn ra trong cộng đồng, quốc gia hay trên toàn cầu; có thể là một chặng đường ngắn hay dài với nhiều thăng trầm. "Nhưng sự thay đổi chắc chắn phải là thứ mà bạn tin và đam mê" - Nguyên Tham tán Công sứ Thương mại Australia tại Việt Nam nhấn mạnh.
Trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1997 đến 2001, bà Vi và chồng - cựu Đại sứ Mỹ Peterson nhận thức rõ gánh nặng sức khỏe cộng đồng to lớn do các tai nạn thương tích có thể phòng tránh ở Việt Nam. Họ đã giải quyết vấn đề bằng cách vận động các cộng đồng ngoại giao và phát triển ở Hà Nội cùng tham gia.
Từ trải nghiệm này, sau khi trở về Mỹ, họ đồng sáng lập The Alliance for Safe Children vào năm 2002 - một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em ở các nước đang phát triển. The Alliance for Safe Children đã tiến hành hợp tác chặt chẽ với nhiều Bộ Y tế và Giáo dục ở châu Á, trung tâm nghiên cứu, UNICEF, WHO và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC). Hiện, The Alliance for Safe Children được công nhận là tổ chức vận động toàn cầu về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em ở Châu Á.
Việc tạo ra một thay đổi rất khó khăn, vì thế, bà hướng các bạn trẻ bắt đầu bằng những việc nhỏ và trọng tâm, sau đó phát triển dần từ việc rút kinh nghiệm để triển khai. Bà Vi cho biết, vấn đề phòng tránh thương tích có thể áp dụng cho mọi người. Tuy nhiên, bà cùng cộng sự đã chọn lĩnh vực phòng tránh thương tích cho trẻ em bởi việc tập trung hướng dẫn trẻ em ngay từ nhỏ có thể có ảnh hưởng tới cả một thế hệ.
Phu nhân cựu Đại sứ Mỹ khẳng định, thời điểm mới muốn bắt đầu một việc gì đó, không phải ai cũng tin bạn. Ở thời điểm đó, không chỉ Chính phủ mà cả các tổ chức quốc tế như UNICEF hoặc WHO cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề tai nạn thương tích ở trẻ em. "Chúng tôi đã chứng minh với thế giới rằng an toàn tai nạn, đặc biệt, tại các nước đang phát triển là vấn đề rất lớn. Thực tế, tai nạn thương tích đã giết chết nhiều trẻ em ở châu Á hơn các loại bệnh truyền nhiễm cộng lại", bà Vi Peterson chia sẻ.
Các chương trình phòng chống tai nạn thương tích đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. The Alliance for Safe Children tiếp tục phân tích để lựa chọn đuối nước là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở trẻ em nước ta vì có nhiều sông hồ. Thậm chí, một đứa trẻ đã bị chết đuối khi cách bà mẹ có vài bước chân vì bà mẹ đang mải làm việc nên không biết để cứu con.
Bà cùng cộng sự đã nỗ lực triển khai thành công dự án thí điểm đầu tiên về đào tạo phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Đà Nẵng và vận động Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế tham gia triển khai biện pháp phòng chống đuối nước. Phong trào lan rộng ra các tỉnh thành và nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Bà cho biết, niềm tự hào lớn nhất của bản thân là vào ngày 28/4, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết đầu tiên trong lịch sử về phòng chống đuối nước toàn cầu, một trong những nguyên nhân gây ra sự tử vong lớn nhất trong tai nạn thương tích ở trẻ em,
Sau câu chuyện của mình, bà chia sẻ thông điệp: "Bạn không chỉ cần nói mà còn phải thực sự làm nó. Nếu muốn tạo ra sự thay đổi, bạn cần bắt đầu từ những bước nhỏ, xây dựng, học hỏi kinh nghiệm và dần thành công để tạo ra những ảnh hưởng toàn cầu".
Hành trình trở thành công dân toàn cầu
Trong buổi chia sẻ, bà Vi Peterson còn đề cập tới hành trình trở thành công dân toàn cầu. Việc này không đồng nghĩa với việc mọi người phải có những phát kiến mới về thế giới. Thay vào đó, người muốn trở thành công dân toàn cầu cần mở rộng tầm nhìn, vượt khỏi bản thân, gia đình, cộng đồng trực tiếp và quốc gia của mình. "Cuộc sống không chỉ có đen và trắng. Chúng ta cần một tư duy mở để nhìn thấy nhiều gam màu khác nhau" - bà Vi nhấn mạnh.
Sinh viên có thể bắt đầu tìm hiểu và mong muốn tạo ra sự thay đổi cho một vấn đề bất kể lớn, nhỏ. Tuy nhiên, niềm tin và sự kiên trì là yếu tố quan trọng để tạo ra cơ hội thành công.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu có một vai trò rất quan trọng vì người thực hiện dự án cần cung cấp các bằng chứng về một vấn đề chưa được thừa nhận. Đây là quá trình diễn ra thay đổi.
Trong hành trình tác động đến tư duy của các changemakers, giáo dục đóng một vai trò quan trọng - mang đến kỹ năng và sự hiểu biết để có thể nghiên cứu và triển khai công việc.
Ngoài ra, theo bà Vi, để giúp các bạn trẻ trở thành changemakers, các tổ chức nên khuyến khích các cá nhân quan tâm tới những thứ ngoài phạm vi công việc hàng ngày và theo khía cạnh thay đổi, từ đó, tạo sự linh hoạt để cá nhân có thể làm việc lớn hơn cho xã hội.
Bà khuyên các bạn trẻ không nên nhận định bản thân cần phải thành công, mới trở thành changemakers. Mỗi người đều có thể tạo nên sự thay đổi dù lớn hay nhỏ. Changemakers có thể ảnh hưởng tới các thành viên gia đình và cộng đồng. Khởi đầu nhỏ là điều tốt hơn và thậm chí còn tốt hơn nữa nếu người tiên phong thay đổi thực hiện dự án khi còn trẻ.
Sự thích ứng và linh hoạt cũng là kỹ năng cốt lõi của các changemakers. "Chúng ta cần một chiến lược khi bắt đầu, nhưng nếu trên đường đi gặp khó khăn, chúng ta cần sự điều chỉnh để thành công" - Bà Vi Peterson nhắn nhủ.
Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng công nghệ sẽ trở nên rất quan trọng để thích ứng với một thế giới mới. Theo đó, bà Vi khuyến khích các bạn trẻ nhanh chóng cập nhật xu thế, ứng dụng công nghệ vào hoạt động của mình.
Bà cũng khuyên sinh viên nên thích ứng với ảnh hưởng của Covid-19 thau vì không nên chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực hay chờ đợi tới sau đại dịch. Việc sử dụng công nghệ không mang tính nhất thời. Hậu Covid-19, mọi mặt của cuộc sống có thể sẽ không quay lại những cách làm cũ.
Đồng thời, trường đại học cũng phải kiến tạo môi trường học tập để các bạn có hứng khởi học tập online và gắn kết.
Buổi chia sẻ của bà Vi Peterson là số đầu tiên của chương trình The Changemakers Series của Swinburne Việt Nam. Đây là chuỗi sự kiện truyền cảm hứng cho giới trẻ với sự tham gia của khách mời là những người tiên phong tạo nên sự thay đổi tích cực trong thế giới hiện đại.
(Nguồn và ảnh: Swinburne Việt Nam)