Chị Hồng và anh Đỗ yêu nhau 10 năm rồi kết hôn. Họ khó tìm tiếng nói chung trong cách dạy con. Chuyện phòng the cũng ngày không hoà hợp. Nhiều mâu thuẫn phát sinh đã không thể được giải quyết khiến họ ly thân đã lâu.
Trong hai năm, chị Lan hơn ba lần nghĩ tới ly hôn với suy nghĩ "nếu không giải thoát cho cả hai, có lẽ sau này đến nhìn mặt nhau cũng khó". Song mỗi lần nghĩ tới chuyện đường ai nấy đi, hàng chục vấn đề và câu hỏi chị không tìm được cách giải quyết. Căn chung cư mua được 3 năm nhưng chưa làm được sổ hồng do chủ đầu tư khất hết lần này tới lần khác. Việc này khiến rao bán mà không ai mua hoặc bị trả giá rẻ.
Hai con, một 5 tuổi, một 10 tuổi, nếu ly hôn sẽ phải "chia đôi". Nhưng chị không muốn hai con bị chia cắt, ảnh hưởng tới tâm lý và học hành. "Rồi còn việc chuyển hộ khẩu, nợ ngân hàng chung... mỗi lần nghĩ đến tôi lại thấy chùn bước", chị Lan nói.
Luật sư Nguyễn Đạt (Hà Nội) tư vấn, mỗi cuộc hôn nhân đều phải đối mặt với những vấn đề khác nhau như: mâu thuẫn tài chính; bạo lực gia đình; ngoại tình; thiếu sự bao dung, chia sẻ với nhau; thiếu kỹ năng giải quyết những mâu thuẫn gia đình; sự khác biệt về tính cách, quan điểm sống...
Nhiều năm tư vấn cho khách hàng ly hôn, ông thấy điều khó khăn nhất sau mỗi trường hợp đó là làm sao để "ly hôn thành công", tránh được những rắc rối pháp lý đi kèm.
Nếu hai bên thuận tình mà không có tranh chấp, thủ tục khá đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu một người không đồng ý và có tranh chấp về tài sản, tranh chấp quyền nuôi con, khi đó ly hôn sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức để giải quyết.
Thứ nhất, căn cứ để tòa án chấp thuận cho ly hôn là bên đơn phương ly hôn cần chứng minh được hôn nhân đã lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Cụ thể, họ không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Thứ hai, về quyền nuôi con, tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp không đủ điều kiện hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Yếu tố rất quan trọng và mang tính quyết định để giành quyền nuôi con đó là chứng minh với tòa án rằng, mình có điều kiện tốt hơn đối phương về mọi mặt để nuôi con phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Đó là thu nhập có đảm bảo để nuôi dưỡng con; đảm bảo để con có chỗ ở ổn định, lâu dài; môi trường sống đảm bảo cho sự phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất của con; có thời gian để chăm sóc con... Bên cạnh đó, hai người có thể đưa ra chứng cứ để chứng minh đối phương không đáp ứng được các điều kiện nuôi con trên...
Thứ ba, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn...
Bảo Hà