Ngày 6/1, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ hai của kỳ họp bất thường. Sau khi thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết 30/2021, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật cho thấy có ba vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, thẩm quyền của Bộ Y tế trong định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh còn hai loại ý kiến. Một là nhà nước quy định giá tối đa dịch vụ với cơ sở của Nhà nước. Hai là Bộ Y tế quy định giá dịch vụ thanh toán bằng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước và chi trả của người dân. Giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu đảm bảo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phương pháp định giá do Bộ trưởng Y tế ban hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định theo loại ý kiến thứ nhất sẽ hạn chế quyền tự quyết định của cơ sở khám chữa bệnh, nhưng lại bảo đảm giá không vượt qua khả năng chi trả của người dân. Phương án này cũng hạn chế tình trạng cơ sở khám chữa bệnh công lập được quyết định giá dịch vụ y tế ngoài giá bảo hiểm y tế như cơ sở tư nhân.
Với loại ý kiến thứ hai, việc khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế được Nhà nước quản lý chặt chẽ thông qua việc giao Bộ trưởng Y tế quy định giá dịch vụ bảo hiểm y tế thống nhất trên toàn quốc. Việc này cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự quyết định giá dịch vụ khác ngoài bảo hiểm y tế theo cơ chế thị trường.
Bộ Y tế đề xuất phương án tiếp thu theo hướng Bộ trưởng Y tế quy định giá tối đa dịch vụ đối với cơ sở của Nhà nước, trừ dịch vụ theo yêu cầu và dịch vụ hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công tư.
Về quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh, có ý kiến đề nghị bổ sung quyền lựa chọn bác sĩ hoặc nhân viên y tế theo nhu cầu; quyền tham khảo bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khác khi cần.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người bệnh có quyền được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng. Dự thảo Luật đã quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức, bố trí nhân sự phù hợp với phạm vi chuyên môn và tình trạng cụ thể của người bệnh. Các cơ sở cũng phải quy định về hội chẩn chuyên môn với trường hợp phức tạp; người bệnh có quyền được chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Tuy nhiên, nếu người bệnh được tự do lựa chọn bác sĩ hoặc nhân viên y tế, được tự tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ y tế khác sẽ ảnh hưởng tới khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở. Việc này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh khác, tác động đến công tác chuyên môn cũng như tâm lý của người hành nghề và có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người hành nghề. Do đó, Thường vụ xin phép Quốc hội không bổ sung nội dung này.
Đối với Hội đồng Y khoa quốc gia, hiện dự thảo mới quy định nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ và giao Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định này chưa rõ ràng về vị trí pháp lý, trong khi đây là tổ chức quan trọng, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ người hành nghề.
Trả lời về nội dung này, Chính phủ cho biết Hội đồng Y khoa là một cơ quan hoạt động chuyên nghiệp chứ không phải là Hội đồng mang tính chất tư vấn. Hội đồng Y khoa thiết kế tương tự như Hội đồng Giáo sư Nhà nước để vừa bảo đảm tính độc lập vừa có sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về y khoa, cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất bổ sung sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quá trình kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Các tổ chức này có thể tham gia các hội đồng chuyên môn, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh, tham gia đánh giá năng lực hành nghề và giám sát việc hành nghề, cập nhật kiến thức y khoa liên tục khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại hai kỳ họp trước và quyết định điều chỉnh thời điểm thông qua sang kỳ họp này để có thêm thời gian nghiên cứu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại phiên bế mạc, ngày 9/1.