Thông tin được công bố chiều 20/11 tại Đại hội các Nhà đầu tư BK Fund 2021 do Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ BK Fund cho biết, sau chín tháng hoạt động, quỹ đã phê duyệt đầu tư năm dự án khởi nghiệp của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, trong đó ba dự án đã được rót vốn với tổng số tiền 3 tỷ đồng. Trong đó có GIMO - giải pháp ứng lương cho người lao động, Ejoy - phần mềm hỗ trợ học tiếng Anh đa kỹ năng với nội dung đa kênh và N2TP - phần mềm hỗ trợ định liều thuốc chính xác.
Hai dự án được phê duyệt nhưng chưa rót vốn gồm: EMDDI - nền tảng điều vận taxi truyền thống kết nối các hãng taxi hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ huỷ chuyến, tăng lượng khách hàng và cạnh tranh với các nền tảng gọi xe hiện nay; Graphenel Material - Công ty nghiên cứu và sản xuất Graphene vật liệu của tương lai với chi phí sản xuất thấp và tiềm năng mở rộng cao.
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ là một trong 16 nhà đầu tư sáng lập, cho biết, BK Fund thực chất là quỹ đầu tư mạo hiểm.
Theo TS Quân, kinh nghiệm cho thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm từng là nơi sản sinh các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Microsoft... Ở BK Fund, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc từng dự án, lựa chọn dự án đem lại hiệu quả cao để bảo toàn vốn, hạn chế thấp nhất rủi ro. Tuy vậy, quỹ không thể tự mình đem tiền đi đầu tư mà phải thông qua công ty quản lý quỹ. Công ty giúp quỹ lựa chọn dự án đầu tư và đưa ra các phương án đầu tư bao nhiêu, như thế nào. "Khi quỹ bắt đầu có lợi nhuận sẽ dành 15% lợi nhuận cho các hoạt động của trường Đại học Bách khoa Hà Nội", ông Quân nói.
Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Quỹ BK Fund cho rằng, nếu được trợ giúp ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, con đường đến thành công sẽ ngắn hơn nhiều. Bản thân ông khi còn là sinh viên vừa ra trường, phải tự mình lăn lộn, tìm hiểu, phát triển, nên đi đường dài hơn.
"Thông qua Quỹ BK Fund, hy vọng sẽ có nhiều sinh viên tiếp cận nhanh với thị trường, nhiều ý tưởng đi vào thực tế, cộng đồng sinh viên sẽ thành công nhanh hơn", ông Đoàn nói và cho rằng mục đích của Quỹ là trợ giúp sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đưa hoạt động sáng tạo gần với thị trường.
Tại đại hội, nhiều ý kiến đã chỉ ra một số bất cập sau 9 tháng Quỹ đi vào hoạt động. Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Misa cho rằng, để Quỹ hoạt động hiệu quả, cần có các nguyên tắc để đánh giá dự án, sản phẩm, ý tưởng. Mỗi dự án phải do một hội đồng chuyên môn sâu đánh giá độc lập. Ngoài ra, người thực hiện dự án cũng cần có đủ các tố chất cần thiết, bởi ý tưởng có hay, nhưng người làm kém thì cũng khó thành công.
Góp ý về những tồn tại cần khắc phục, ông Đỗ Duy Hưng, Chủ tịch Công ty 3C, EMIC, HEM cho rằng, Quỹ chỉ nên tập trung đầu tư vào các dự án của sinh viên trong trường và không mở rộng sang các trường khác. Để lựa chọn được dự án đầu tư cần tính đến hiệu quả, lường trước rủi ro và có phương án khắc phục.
Ông Hưng cũng đề xuất xây dựng một quy trình đánh giá dự án hoàn thiện. "Không nên chạy theo hình thức, mỗi năm phải có ba hay năm dự án, mà cái nào tốt thì đầu tư, nếu không thì phải xem xét. Nên đầu tư vào các startup từ khi còn là ý tưởng, chưa thành lập công ty, tuy rủi ro cao, nhưng sẽ là bệ đỡ để sinh viên khởi nghiệp", ông Hưng nói.
GS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường luôn tạo điều kiện hết sức để cổ vũ sinh viên tập trung nghiên cứu. Quỹ sẽ tập trung đầu tư các ý tưởng, nhóm nghiên cứu tiềm năng, nhằm tạo ra những đột phá, phát huy thế mạnh của sinh viên.
Đại hội các nhà đầu tư BK Fund thống nhất năm 2022 vẫn tập trung đầu tư cho các dự án của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc đề án do sinh viên Bách khoa làm chủ, chưa mở rộng sang dự án của sinh viên các trường khác. Mỗi dự án sẽ được tăng vốn đầu tư tối đa lên đến 3 tỷ đồng, tuy nhiên các dự án này phải được 100% thành viên hội đồng thông qua.
BK Fund là quỹ đầu tư dành cho khởi nghiệp và ý tưởng sáng tạo, thành lập theo Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. BK Fund do các cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đầu tư, góp vốn. Quỹ có sứ mệnh đầu tư, ươm tạo, thương mại hóa công nghệ trong trường đại học, đầu tư, ươm tạo các startup của cán bộ, sinh viên, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Quỹ BK Fund hiện có 16 nhà đầu tư, trong đó có 8 thành viên là hội đồng quản lý quỹ, với tổng số vốn là 17,5 tỷ đồng.