Sự cố với AAG xảy ra vào sáng ngày 22/6 vừa qua, theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam. Nguyên nhân của sự cố đang được điều tra và hiện chưa có thời gian khắc phục dự kiến.
AAG (Asia-America Gateway) là tuyến cáp quang biển thứ ba đi qua Việt Nam, gặp sự cố trong một tháng qua. Trước đó, hai tuyến cáp quang biển khác là APG và AAE-1 cũng gặp sự cố vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6.
Ngày 26/5, đơn vị vận hành tuyến cáp AAE-1 (Asia-Africa-Europe-1) phát hiện hiện tượng sụt giảm điện áp trên nhánh S1H, nguyên nhân có thể đến từ việc đứt một phần sợi quang trên phân đoạn S1H.1. Theo một ISP đang khai thác tuyến AAE-1, thời gian hoàn thành việc sửa chữa có thể vào ngày 7/7 tới.
Tiếp đến ngày 6/6, một tuyến cáp các là APG (Asia Pacific Gateway) cũng gặp gián đoạn do đơn vị vận hàng thực hiện bảo trì nguồn. Việc bảo trì này đã hoàn thành vào hôm 11/6 vừa qua.
Sự cố với ba tuyến cáp quang biển khiến việc truy cập Internet của người dùng Việt Nam gặp khó khăn. Trên nhóm hỗ trợ khách hàng của một nhà cung cấp, nhiều thành viên cho biết họ gặp khó khăn khi truy cập Facebook, Google hay một số dịch vụ trực tuyến nước ngoài. Việc truy cập kém ổn định, nhiều thời điểm không thể kết nối.
"Mạng nhà tôi bình thường vẫn đo được được khoảng 80 Mb/giây, nhưng hôm nay 5 Mb/giây. Thậm chí trang tìm kiếm Google cũng không tải được", thành viên Trường Lê viết trên một group về công nghệ hôm 24/6.
Một số người dùng khác cho biết, họ gặp phải tình trạng mạng chậm vào thời gian nửa đêm hoặc sáng sớm. Không thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến như xem video, tải file; chỉ số ping cao lên tới hơn 1.000, là vấn đề được nhiều người dùng phản ánh.
Một số nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đang tiến hành cân tải, chuyển hướng kết nối sang các tuyến cáp khác để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
AAG là tuyến cáp ngầm dưới biển dài hơn 20.000 km, nối từ Đông Nam Á, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Mỹ. AAE-1 được triển khai từ giữa năm 2017 và được nhiều ISP trong nước sử dụng. Tuyến này có hướng kết nối tới châu Âu và Trung Đông, đồng thời là tuyến dự phòng cho các hướng đi Hong Kong và Singapore. Trong khi đó, APG được triển khai từ năm 2016, có chiều dài 10.400 km, đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương và được đầu tư bởi nhiều ISP lớn tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Speedtest trong tháng 5, Internet băng rộng cố định tại Việt Nam đạt tốc độ download 70,05 Mb/giây, upload đạt 65,43 Mb/giây. Việt Nam đứng thứ 60 thế giới về tốc độ mạng băng rộng.
Lưu Quý